214. Cơ cấu Thánh lễ như thế nào?

– Thánh lễ bắt đầu bằng cuộc tập họp các tín hữu và rước linh mục cùng các người giúp lễ. Sau lời chào của linh mục, là việc thú tội chung của tất cả, rồi kết thúc bằng kinh Xin Chúa thương xót. Các Chúa Nhật (trừ Mùa Chay và Mùa Vọng) và các ngày lễ kính, lễ trọng thì hát hoặc đọc Kinh Vinh danh. Lời cầu nguyện của ngày mở đầu cho một hoặc hai bài đọc Cựu ước và Tân ước. Rồi đến lời tung hô Alleluia trước khi công bố Phúc Âm. Chúa nhật và lễ trọng, sau Phúc Âm có bài giảng lễ. Cũng trong các Chúa Nhật và lễ trọng, sau giảng lễ, cộng đoàn tuyên xưng đức tin bằng Kinh Tôi Tin Kính, rồi đến lời cầu nguyện chung.

Phần hai thánh lễ bắt đầu bằng việc sửa soạn lễ vật và kết thúc bằng lời nguyện trên lễ vật. Đỉnh cao của thánh lễ là kinh nguyện Thánh Thể, được mở đầu bằng kinh Tiền tụng và kinh Thánh Thánh Thánh. Lúc này là lúc bánh rượu được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc bằng kinh Tán tụng và dẫn đến Kinh Lạy Cha. Sau đó là lời cầu bình an, kinh Chiên Thiên Chúa, rồi bẻ bánh và cho rước lễ, thông thường chỉ cho rước hình bánh là Mình Chúa Kitô thôi. Thánh lễ kết thúc trong tĩnh lặng, tạ ơn, bằng một kinh cuối cùng rồi đến chúc lành của linh mục. [1348 – 1355]

 

? Truyền phép hoặc thánh hiến một người, một vật, một nơi là dâng hiến dành để phụng sự Thiên Chúa. Trong thánh lễ tiếng này được dùng để chỉ kinh nguyện mà linh mục đọc lại Lời Chúa Kitô đọc trong Bữa Tiệc ly trên bánh và rượu để bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ phép của Chúa Thánh Thần.

? Hiệp lễ hay rước lễ là tiếp nhận Mình và Máu Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu. Theo luật chung chỉ được rước lễ trong thánh lễ; trong trường hợp đặc biệt như các bệnh nhân có thể rước lễ ngoài thánh lễ. Rước lễ dù chỉ nguyên tiếp nhận hình bánh mà thôi cũng là hiệp lễ đầy đủ Chúa Kitô.

? Xin Chúa thương xót đây là kinh rất cổ xưa để tôn kính các thần linh hoặc vua chúa, được dùng để hoan hô Chúa Kitô, vào khoảng năm 500 (Kyrie eleison là tiếng Hy Lạp) trong phụng vụ Rôma và tây phương.

? Vinh danh là bài ca hoan hỷ của các thiên thần hát trên các mục đồng (Lc 2,14) vào đêm Noel, nó mở đầu bài ca vãn Kitô giáo rất cổ xưa từ thế kỷ IX. Đây là bài ca tụng ngợi khen Thiên Chúa một cách trọng thể.

? Alleluia (gồm hai chữ Do Thái: halel là ngợi khen tôn vinh, Yahvé là tên Thiên Chúa, có nghĩa là ta hãy ca tụng Thiên Chúa). Tiếng reo vui mừng này được lặp đi lặp lại 24 lần trong các thánh vịnh trước khi đọc Lời Chúa trong Phúc Âm.

? Bài giảng lễ (tiếng Hy Lạp là homilein, có nghĩa là nói ngang hàng với ai theo tình người). Trong thánh lễ vị giảng thuyết có nhiệm vụ công bố Tin Mừng, giúp đỡ các tín hữu và khuyến khích cổ võ họ loan báo Tin Mừng và đem ra thực hành. Bài giảng lễ dành riêng cho giám mục, linh mục và phó tế. Khi không có các ngài, trong một vài phụng vụ, giáo dân có thể được mời giảng.

? Thánh Thánh Thánh là một trong những kinh cổ xưa nhất trong thánh lễ, phát xuất từ thế kỷ VIII trước công nguyên, và không thể được loại bỏ. Kinh này vừa lấy lại bài ca của các thiên thần Sêraphim trong Isaia 6,3; vừa là lời reo mừng trong thánh vịnh 118,25, cốt để ngợi khen Chúa Kitô đang có mặt trong lễ.

? Biến thể, các nhà thần học dùng từ này để cắt nghĩa làm thế nào Chúa Giêsu có thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh hình rượu: bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc đọc các lời truyền phép.

? Lạy Chiên Thiên Chúa. Nhắc đến chiên Thiên Chúa (Xh 12) nhờ hiến tế chiên mà dân được giải thoát khỏi nô lệ Ai Cập. Thánh Gioan Tẩy Giả đã áp dụng hình ảnh chiên vào Chúa Giêsu (Ga 1,29: đây Chiên Thiên Chúa). Nhờ Chúa Giêsu bị dẫn đi giết như con chiên, ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được làm hòa với Thiên Chúa. Kinh cầu để ngợi khen Chúa Kitô “Lạy Chiên Thiên Chúa” được đưa vào thánh lễ từ thế kỷ VII.

? Kinh Tán tụng (tôn vinh) là kinh long trọng kết thúc một kinh tôn vinh Thiên Chúa, chẳng hạn kết thúc kinh nguyện Thánh Thể: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Kinh Tán tụng có khi hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi: Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Kinh này thường dùng để kết thúc kinh nguyện Kitô giáo.