BẢN TIN 390

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN. 03/09/2017

“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Đứng trước đau khổ, chúng ta thường tự hỏi: Thiên Chúa tốt lành đầy yêu thương, tại sao Ngài cứ để con người phải đau khổ như vậy? Thập Giá vẫn mãi mãi là điều khó hiểu, khó chấp nhận đối với con người qua mọi thời đại. Phản ứng của Thánh Phê-rô trong Tin Mừng hôm nay phải chăng cũng là thái độ của chúng ta trước Thập Giá? Từ chối Thập Giá, Phê-rô đang là người môn đệ thân tín bỗng nhiên trở thành “Xa-tan”, kẻ chống Chúa. Cũng vậy, chúng ta không thể là Ki-tô hữu nếu chúng ta không chấp nhận đi vào con đường Thập Giá như Chúa Giê-su đã khẳng định: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo Ta”. Chúa Giê-su cứu độ bằng con đường thập giá. Đi theo Ngài, chúng ta cũng chỉ có một con đường thập giá để đi với Ngài mà thôi.

Thánh Phao-lô nói: “Thập Giá là cớ vấp phạm cho người Do Thái, là sự điên rồ đối với dân ngoại nhưng lại là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Các Thánh đã chọn con đường “từ bỏ mình, vác Thập Giá”, còn bạn thì sao?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

03.09 : Chúa Nhật 22 THƯỜNG NIÊN. Mt 16,21-27

04.09 :     Thứ Hai. Lc 4,16-30

05.09 :     Thứ Ba. Lc 4,31-37.

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, Linh mục, tử đạo 1838. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, Trùm họ, tử đạo 1838.

06.09:     Thứ Tư. Lc 4,38-44

07.09 :     Thứ Năm. Đầu Tháng. Lc 5,1-11.

08.09:     Thứ Sáu. SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA. Lễ kính. Mt 1,1-16. 18-23

09.09:     Thứ Bảy. Thánh Phê-rô Cla-vê, Linh mục. Lc 6,1-5.

10.09: Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN. Mt 18,15-20

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

VATICAN. Trong tháng Chín 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho các giáo xứ, để các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái. Đức Thánh Cha chia sẻ rằng:

“Các giáo xứ phải có liên hệ với các gia đình, với đời sống người dân, với đời sống xã hội. Các giáo xứ phải là những ngôi nhà với cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Điều này rất quan trọng và là đòi buộc rõ ràng của đức tin.

Những cánh cửa phải luôn rộng mở, để Chúa Giêsu có thể đi ra với tất cả niềm vui trong sứ điệp của Người.

Hãy cầu nguyện cho các giáo xứ của chúng ta, để các giáo xứ không đơn thuần là những văn phòng công sở, nhưng được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo. Nhờ đó các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái”.

Tứ Quyết SJ (vi.radiovaticana.va)

 

* Chính Tòa: TB Số 45TB/GXCT/2017

  1. Chúa Nhật 03/9, xin Quý Phụ huynh tiếp tục đăng ký cho con mình học giáo lý tại Văn Phòng Giáo Lý. Sau Lễ Thiếu Nhi có Rửa Tội cho các em nhỏ. Chúa Nhật 10/9 sẽ Xếp Lớp cho Năm Học Giáo Lý 2017- 2018.
  1. Từ Thứ Hai 4/9 Đến Thứ Bảy 09/9, Giáo họ Micae Hy trực Phụng vụ.
  2. Sáng Thứ Năm 07/9 vào lúc 05g00 Lễ Mừng Kim Khánh và Ngân Khánh của các Sơ Dòng Thánh Phaolô. Xin mời cộng đoàn tham dự hiệp ý cầu nguyện.
  3. Thứ Năm Đầu Tháng 07/9, giáo xứ Chầu Thánh Thể vào lúc 19g30 do Ban Phụng Vụ phụ trách. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  4. Thứ Sáu 08/9 Lễ Kính Sinh Nhật Đức Mẹ, Thánh Lễ Chiều 17g15 do Hội Legio phụ trách.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Hy Vọng (tt)

“Ở đây niềm hi vọng đạt mức trọn vẹn nhất của nó, vì nó hiểu chắc chắn về sự sống bên kia cái chết. Con người ấy, với tất cả những yếu đuối của mình, được mời gọi đạt đến sự sống viên mãn trên thiên quốc. Nơi đó, con người được biến đổi hoàn toàn bởi sự phục sinh của Đức Kitô, mọi yếu đuối, bóng tối và bệnh tật của con người sẽ không còn tồn tại. Nơi đó, hiện hữu đích thực của con người sẽ chiếu sáng với tất cả quyền lực của sự tốt lành và vẻ đẹp của nó. Điều này cũng cho phép chúng ta, giữa những phiền muộn chồng chất của cuộc đời này, biết chiêm ngắm con người ấy bằng một cái nhìn siêu nhiên, trong ánh sáng của đức cậy, và trông đợi sự viên mãn mà một ngày nào đó người ấy sẽ nhận được trong Nước Trời, mặc dù hiện nay chưa nhìn thấy.” Niềm Vui Của Tình Yêu, số 117

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Hội Thánh Công giáo có quan hệ nào với dân Do Thái?

–  Dân Do Thái là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn mà các ân huệ cũng như lời mời gọi của Thiên Chúa không thể bị hủy bỏ, Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái không thể qua đi. Do đó, người Do Thái là “anh cả” của Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã yêu thương họ trước, và ngỏ lời với họ trước. Chúa Giêsu, xét theo loài người, là người Do Thái, như thế Người gần gũi với chúng ta. Và Hội Thánh tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, như thế Người phân biệt với chúng ta. Nhưng cả hai bên cùng chờ đợi lần đến cuối cùng của Đấng Mêssia, điều này làm cho ta với họ giống nhau. [839-840]

– Đức tin của ta được ghép vào đức tin của Do thái. Kinh Thánh của Do Thái mà ta gọi là Cựu Ước là phần thứ nhất của Kinh Thánh của chúng ta. Hình ảnh Do Thái và Kitô giáo về con người mà luân lý được nặn đúc bởi mười điều răn là nền móng cho các thứ dân chủ của Tây phương. Thật đáng tiếc là trong nhiều thế kỷ Kitô hữu đã không muốn nhận là bà con gần với Do Thái giáo, và với những biện bạch giả tạo, họ đã để lòng thù ghét đôi khi dữ dội với Do Thái giáo. Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi vào dịp Năm Thánh 2000. Công đồng Vatican II nói rõ ràng là dân tộc Do Thái không phải chịu trách nhiệm tập thể về cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. → 96-97, 335

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ: Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn. – Mt 5,17

“Đạo Do Thái đối với ta không phải cái gì ở ngoài, nhưng một cách nào đó thuộc về trung tâm của tôn giáo ta. Ta có với Do thái giáo những quan hệ mà ta không có chút nào với các tôn giáo khác. Các bạn Do thái là anh cả của chúng ta một cách nào đó.” – Đức Gioan Phaolô II thăm Hội đường Do Thái ở Rôma, 1986

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 136. Hội Thánh nhìn thế nào về những tôn giáo khác?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

  • Bên sân nhà xứ

Thời gian gần đây, trong giáo xứ râm ran chuyện cha này sẽ đổi đi xứ kia, cha nọ sẽ về giáo xứ này… tin hành lang, tin chính thức đủ kiểu. Không ít người có quan niệm sai lầm là cha nào ‘bị gì đó’ mới phải chuyển đổi xứ khác … nhận xét cha này, bình phẩm cha nọ và đủ thứ chuyện để nói, khách quan có và chủ quan cũng có…. Trong khi việc thuyên chuyển, bổ nhiệm linh mục quản xứ là một điều hết sức cần thiết và bình thường trong việc mục vụ của đời Linh mục.

Trên các xôn xao, ‘tám’ hay ‘chém gió’; chúng ta hãy mong ước nơi các linh mục sự dấn thân trọn vẹn để có thể sẵn sàng đi bất cứ xứ nào theo nhu cầu mục vụ qua việc bổ nhiệm, thuyên chuyển của Giám mục.

Với khả năng mà Chúa ban cho các linh mục, các ngài phải biến những bất lợi thành thuận lợi, vì lòng yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành với Giáo hội, chia sẻ với Giám mục thừa tác vụ của Chúa Kitô trong việc dẫn dắt đoàn chiên của mình. Mỗi linh mục với tính cách, quan điểm nhận thức, phương cách làm việc, hay phương châm cuộc sống khác, sẽ mang lại cho giáo xứ mình coi sóc một bộ mặt mới. Có cha chú trọng mục vụ gia đình, có cha ưu tiên chăm sóc người nghèo, có cha yêu thích thánh nhạc…

Có lẽ chúng ta phải bỏ đi tâm lý so sánh giữa cha mới và cha cũ, không nên muốn cha mới cứ làm như cha cũ hoặc muốn cha mới phải làm theo ý của giáo dân vẽ ra… Chuyện điều hành giáo xứ, chuyện trăm người ngàn ý, không ai giống ai.

Điều chúng ta cần làm là cầu nguyện cho các Linh mục, cộng tác với các ngài. Và trong tâm tình trông cậy phó thác, chúng ta hãy cảm tạ và cầu xin Chúa ban cho chúng ta những Linh mục như lòng Chúa mong ước.

             (Ant.)

  • (Để thêm ý kiến cho bài Nhân Lễ Thánh Augusstino)

Tuần rồi, nếu có tham dự Thánh Lễ và giờ Chầu Thánh Thể sẽ nhận thấy  tâm tình bài hát và cung giọng hát hoàn toàn khác biệt, mới thấy rất cần những người hiểu biết về phụng vụ và ca hát để hướng dẫn cộng đoàn hát lễ cho tốt, tâm tình và đúng ý .

Cộng đoàn rất dễ bị lôi kéo sai cung lạc giọng, nhất là những bài hát cộng đồng quen thuộc. Không có sự hướng dẫn cụ thể, các bài hát sẽ kéo dài lê thê và có khi làm mất cả ý nghĩa của bài hát.

Các buổi phụng vụ, thánh lễ sẽ ‘có hồn’ hơn nếu mọi người tham dự cùng tích cực đối đáp, ca hát. Nhất là khi mỗi người đều cảm được từng lời mình đọc, hát…như là chính tiếng nói từ cõi lòng tâm sự với Thiên Chúa. cho mọi người cùng ‘hướng tâm hồn lên’.

(Fan.)