BẢN TIN 391

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN. 10/09/2017

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã  chinh phục được người anh em.”  (Mt 18,15)

Suy niệm: Có thẻ xanh, nhập quốc tịch, trở thành công dân Mỹ, Úc, hay Canađa… là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời các đồng bào Việt Nam hải ngoại. Nhờ cái “mác” công dân nước sở tại, họ có được những quyền lợi ưu tiên, cũng như một số nghĩa vụ kèm theo. Cũng vậy, là công dân Nước Trời, các Ki-tô hữu phải sống theo những đòi hỏi của tư cách công dân Nước Trời ấy. Thông thường khi đứng trước lỗi lầm của người anh em, người ta thích cư xử theo kiểu “thế gian” là lên án, bêu xấu, rỉ tai với người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi các công dân Nước Trời phải “sống khác đi”: đó là thực thi tình bác ái qua việc sửa lỗi cho nhau theo trình tự “ba bước”: – kín đáo giữa mình với người anh em sai lỗi; – thân tình với người ấy cùng với một hoặc hai người anh em khác; – công khai ở giữa cộng đoàn.

Phương pháp “Sửa Lỗi Ba Bước” đó muốn nói lên yếu tố bác ái và kiên trì trong việc sửa lỗi cho nhau. Bạn có đủ kiên nhẫn và tình yêu mến để thực hiện ba bước này không? Tôi có tìm cách sửa lỗi người anh em mà vẫn giữ được danh thơm tiếng tốt của họ không?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

10.09 : Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN. Mt 18,15-20

11.09 :     Thứ Hai. Lc 6,6-11

12.09 :     Thứ Ba. Thánh Danh Đức Ma-ri-a. Lc 6,12-19.

13.09:     Thứ Tư. Thánh Gio-an Kim Khẩu, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Lc 6,20-26.

14.09 :     Thứ Năm. LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính. Ga 3,13-17

15.09:     Thứ Sáu. Đức Mẹ sầu bi. Lễ nhớ. Ga 19,25-27

16.09:     Thứ Bảy. Thánh Co-nê-li-ô, Giáo hoàng và Thánh Xip-ri-a-nô, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 6,43-49.

17.09: Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN. Mt 18,21-35

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” năm 2017:

Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomaios gửi Sứ điệp chung

WHĐ (03.09.2017) – Như tin đã đưa, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30-08 vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện trong “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” –được cử hành vào ngày 1 tháng Chín hằng năm.

Đức Thượng phụ Bartholomew đã tham dự ngày này từ năm 1989. Đức Phanxicô bắt đầu dự từ năm 2015.

Trong thông điệp chung của năm nay, Đức Thánh Cha nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người cùng chung sức gánh vác với một thái độ tôn trọng và có trách nhiệm đối với sự Sáng tạo của Thiên Chúa”. Ngài kêu gọi những người thuộc tầng lớp thượng lưu và các chính trị gia nên “lắng nghe tiếng khóc của Trái đất và của người nghèo, những người phải chịu đựng hậu quả nhiều nhất từ việc mất cân bằng sinh thái”.

Việc Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomew cùng tham gia sự kiện nói trên vừa là biểu tượng đẹp của tinh thần đối thoại liên tôn, vừa là lời kêu gọi rất hữu hiệu để các tín hữu của hai tôn giáo ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

 

* Chính Tòa: TB Số 46TB/GXCT/2017

  1. Chúa Nhật 10/9, tất cả các em thiếu nhi tập trung và xếp lớp học giáo lý. Xin Quý Phụ Huynh cho các em đi lễ lúc 08g00, sau lễ sẽ vào lớp mới.
  2. Chúa Nhật 17/10, khai giảng Năm học Giáo lý mới. Xin Quý Phụ Huynh cho các em có mặt lúc 07g15 để dự Nghi thức Khai giảng; 08g00: Thánh Lễ Đầu Năm học. Mời cộng đoàn tham dự cầu nguyện cho các em.
  3. Từ Thứ Hai 11/9 Đến Thứ Bảy 16/9, Giáo họ Augustino Huy trực Phụng vụ.
  4. Thứ Tư 13/9 vào lúc 19g30 đọc kinh tôn vinh Đức Mẹ tại Núi Đá do Hội Legio phụ trách.
  5. Thứ Năm 14/9 sau Thánh Lễ 17g15 có giờ Chầu Mình Thánh do Hội Bác Ái Vinh Sơn phụ trách.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Chịu đựng tất cả

“…Đây là một cách khác để bạn yêu kẻ thù: khi có cơ hội để bạn đánh bại kẻ thù, thì đó là lúc bạn phải quyết định không được làm thế… Khi bạn vươn lên tới bình diện tình yêu, tới bình diện của vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của tình yêu, thì điều duy nhất bạn tìm cách đánh bại là những hệ thống sự dữ. Đối với những cá nhân bị mắc kẹt trong hệ thống ấy, bạn hãy yêu họ nhưng phải tìm cách đánh bại hệ thống đó […] Lấy oán báo oán thì chỉ gia cố thêm sự tồn tại của oán hận và sự dữ trên đời này. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, và rồi tôi đánh trả lại bạn, và bạn đánh trả lại tôi, cứ tiếp tục như thế, thì đương nhiên, sẽ tiếp tục mãi không cùng. Đơn giản là sẽ không bao giờ chấm dứt. Từ phía nào đó phải có người biết điều một chút, và đó là người mạnh. Người mạnh là người có thể chặt đứt dây xích oán hận, dây xích của sự dữ… Một ai đó phải có đủ ‘lòng tin’ và có ‘đạo đức’ để chặt đứt dây xích ấy và đưa vào trong chính cấu trúc của thế giới này yếu tố tình yêu mạnh mẽ đầy quyền năng”. (Niềm Vui Của Tình Yêu, số 118)

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Hội Thánh nhìn thế nào về những tôn giáo khác?

–  Hội Thánh tôn trọng tất cả những gì là tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác. Hội Thánh thừa nhận mọi giá trị và bênh vực cho quyền tự do tôn giáo được coi như quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, Hội Thánh biết rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của cả nhân loại. Chỉ mình Người “là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). [841-845, 846-848]

– Người đang kiếm tìm Thiên Chúa là bạn gần gũi với Kitô hữu; Các người Hồi giáo còn đặc biệt hơn vì là thành phần trong nhóm bà con họ hàng, giống như Do thái giáo và Kitô giáo, là một tôn giáo thờ một thần. Những người Hồi giáo thờ Thiên Chúa tạo hóa và coi ông Abraham là tổ phụ của họ trong đức tin. Theo sách Coran, Chúa Giêsu là một tiên tri lớn và đức Maria Mẹ Người là mẹ của tiên tri. Hội thánh dạy rằng mọi người, không do lỗi của họ, mà đã không biết Chúa Kitô và Hội thánh, nhưng thành thực tìm  Chúa và sống theo tiếng lương tâm, đều được cứu rỗi đời đời.Trái lại, ai đã biết Chúa Giêsu Kitô là con đường, là sự thật và là sự sống mà không đi theo Người, người đó sẽ không tìm được ơn cứu độ bởi các con đường nào khác. Câu nói “Ở ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa như vậy.

Tự do tôn giáo là quyền của mọi người được theo lương tâm mình đã chọn hoặc thực hành tôn giáo của mình, Thừa nhận tự do tôn giáo không có nghĩa là thừa nhận mọi tôn giáo đều giống như nhau cũng như đều chân thật như nhau.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 137.  Tại sao Hội Thánh có đặc tính là tông truyền?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Lòng nhân và của lễ

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Lời khẳng định này vẫn có giá trị cho mọi thời, mọi tôn giáo, nhất là đối với Kitô hữu chúng ta.

Chuộng hình thức bề ngoài mà coi nhẹ đời sống nội tâm cũng là tình trạng phổ biến nơi khá đông tín hữu. Họ thích tổ chức những cuộc rước long trọng, trong khi đó đức tin thì hời hợt. Nhiều người coi những cuộc rước quan trọng hơn là thánh lễ, những nghi thức ồn ào được chú trọng hơn những giờ lắng đọng cầu nguyện hồi tâm. Một số hội đoàn được tổ chức và sinh hoạt giống như các đoàn thể ngoài đời, chú trọng thái quá đến những hội hè phô trương.

Trong khi đó, những hoạt động bác ái và truyền giáo ít được quan tâm. Một số thánh lễ khánh thành nhà thờ hay lễ quan thầy của các hội đoàn đôi khi chỉ dành cho những người có thiệp mời. Những người này tham dự thánh lễ như tham dự một sự kiện văn hóa, hoặc vì mắc “nợ miệng” nên đi lễ để trả nợ, giống như trả nợ đám cưới đám tang. (Trích Lòng nhân và của lễ/ GM Giuse Thiên)

 

Sửa lỗi anh em

Một vị linh mục chính xứ nọ nghe tin có một giáo dân sắp bỏ nhà thờ, không chịu tham dự thánh lễ nữa. Người giáo dân phản kháng này trước đây đã thường lập luận rằng ông có thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa một cách dễ dàng giống như đi ra ngoài cánh đồng tiếp xúc với thiên nhiên.

Vào một tối mùa đông, linh mục chính xứ đã đến thăm người con miễn cưỡng này trong tình thân hữu. Hai người ngồi nói chuyện hàn thuyên với nhau trước lò sưởi, cố ý tránh né đề cập đến vấn đề đi nhà thờ. Sau một lúc, vị linh mục chính xứ cầm lấy cái kẹp than trên kệ kế bên lò sưởi, lôi kéo một cục than lớn ra khỏi ngọn lửa. Ngài đặt cục than hồng đang cháy dỡ ra ngoài lò sưởi. Cả hai đều chăm chú nhìn cục than trong im lặng. Cục than bị rút ra khỏi ngọn lửa liền ngưng cháy thật nhanh, và biến thành màu xám tro, trong khi các cục than khác trong lò cứ tiếp tục cháy sáng.

Lời nhắn nhủ lặng lẽ của linh mục chính xứ đối với người giáo dân ương ngạnh đã được đón nhận. Sau một hồi lâu thinh lặng, ông quay sang cha xứ và nói: “Chúa nhật tới con sẽ đi lễ”. (st)