BẢN TIN 409

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN. 28/01/2018

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. (Mc 1,22)

Suy niệm: Trong khi các kinh sư, là các chuyên viên về luật, chỉ dựa vào lời các bậc thầy để giải thích sách Luật, Đức Giê-su giảng dạy như không có một thẩm quyền nào cao hơn. Ngài giải thích Kinh Thánh như đó là lời thốt ra từ chính bản thân Ngài, rõ ràng và dứt khoát, với thẩm quyền tối thượng của Thiên Chúa. Chính cung cách đặc biệt này đã thuyết phục cử tọa, khiến họ sửng sốt. Lời uy quyền ấy không chỉ đánh động tâm hồn người nghe, nhưng còn có sức xua trừ ma quỷ. Đang khi các thầy trừ quỷ của Do Thái và dân ngoại phải dùng nhiều nghi lễ và thần chú rườm rà, Đức Giê-su chỉ cần phán một lời, quỷ dữ phải gào thét và xuất khỏi người bị ám.

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2008 mời gọi: “Hãy để Lời Chúa vang lên lúc khởi đầu ngày sống, ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết. Hãy để Lời Chúa vang vọng trong anh chị em vào buổi tối, để Chúa là người nói cuối cùng.” Bạn hãy ghi nhận và thực hiện lời mời gọi trên, để bạn, gia đình, và cộng đoàn bạn được Lời Chúa hướng dẫn 24/24 giờ mỗi ngày.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

28.01 : Chúa Nhật 4 MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 1,21-28

29.01 :     Thứ Hai. Mc 5,1-20

30.01 :     Thứ Ba. Thánh Tôma Khuôn, Linh mục, tử đạo (1860). Mc 5,21-43

31.01:     Thứ Tư. Thánh Gio-an Bốt-cô, Linh mục. Lễ nhớ. Mc 6,1-6

32.01 :     Thứ Năm đầu tháng. Mc 6,7-13

33.01:     Thứ Sáu đầu tháng. DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ Nến). Lễ kính. Ngày cầu nguyện cho đời sống thánh hiến.

Thánh J. Théop. Vénard Ven, Linh mục, tử đạo (1861). Lc 2,22-40

34.01:     Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Bla-si-ô, Giám mục, tử đạo; Thánh An-ga-ri-ô, Giám mục. Mc 6,30-34

35.01: Chúa Nhật 5 MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 1,29-39

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều, bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất

WHĐ (26.01.2018) – Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều đại kết vào ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại –thứ Năm 25-01-2018,  tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành để bếmạc Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự hiệp nhất các Kitô hữu.

(Vatican News)

 

Đại hội Gia đình Thế giới 2018 

Dublin, Ireland (Ailen) đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm nơi tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới 2018 (World Meeting of Families 2018 – WMOF2018) từ ngày 21 đến 26 tháng 8 năm 2018, với chủ đề “Tin Mừng của Gia Đình: Niềm vui cho thế giới”. Đây sẽ là một dịp của niềm vui và làm phong phú thêm cho đời sống đức tin của người lớn, giới trẻ và trẻ em. Năm ngày Đại hội này sẽ là thời gian để gặp gỡ và chia sẻ, cầu nguyện và suy ngẫm, lớn lên trong đức tin và tình yêu, cử hành Thánh lễ cũng như tích góp sức lực để tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ trần gian.

(ubmvgiadinh.org)

 

Chính Tòa: TB Số 11TB/GXCT/2018

  1. Từ Thứ Hai 29/01 đến Thứ Bảy 03/02 Giáo Họ Phaolô Lộc trực phụng vụ.
  2. Thứ Tư 31/01 Lễ Nhớ Thánh Gioan Bosco, Bổn mạng của 02 Giáo dân. Xin Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  3. Thứ Năm Đầu tháng 01/02 Giáo xứ Chầu Thánh Thể lúc 19g30’, Ban Phụng Vụ phụ trách.
  4. Thứ Sáu 02/02 Lễ Kính Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh (Lễ Nến). Thánh lễ 05g00’ sẽ làm phép Nến và kiệu từ Núi Đá vào Nhà Thờ. Xin Cộng đoàn mang theo Nến khi đi dự lễ.
  5. Chúa Nhật 04/02 sau Lễ Thiếu Nhi có Rửa tội cho các em nhỏ. Xin nộp Giấy Giới Thiệu tại Văn Phòng Giáo Xứ, Cha Mẹ Và Người Đỡ Đầu đến Nhà Thờ tập Nghi thức lúc 19g30’ Thứ Bảy 03/02.

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Khi ta chết, xảy ra điều gì?

–  Khi ta chết, hồn lìa xác, xác thối rữa, hồn đến gặp Thiên Chúa, và chờ hợp nhất lại với xác vào ngày tận thế. [992-1004, 1016-1018]

– Xác ta sẽ sống lại thế nào, đó là một mầu nhiệm. Một hình ảnh có thể giúp ta hiểu: khi ta xem thấy củ của cây hoa tulip, ta không biết nó sẽ phát triển thành hoa rực rỡ thế nào trong đất. Đối với ta cũng thế, ta cũng không biết gì về vẻ bề ngoài tương lai của thân xác mới của ta. Thánh Phaolô quả quyết chắc chắn rằng: người ta được gieo trong hèn hạ mà chỗi dậy thì vinh quang (1 Cr 15,43a)

Nhưng có người sẽ nói, kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết rồi mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý ngài muốn: giống nào hình thể ấy. – 1 Cr 15,35

“Ngay thân xác cũng có một chỗ nơi Thiên Chúa.” – Đức Bênêđictô XVI, 15-8-2005

“Tôi muốn thấy Thiên Chúa và để thấy Thiên Chúa, tôi phải chết.” – Thánh Têrêsa Avila

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 155. Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

 

HÔN PHỐI                                                                              

+ Anh Giuse Nguyễn Quang Huy và Chị  Maria Nguyễn Ngọc Khánh Hoài.

+ Anh Lêô Phạm Anh Tài và Chị Maria Trần Thị Kim Chi

+ Chị Maria Madalena Phan Thanh Bích Diễm và Anh Nguyễn Văn Trung.

Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu  Các Anh Chị hôm nay và mãi mãi.

 

VỀ NHÀ CHA                                                                               

+ Ông Tađêô Phạm Phú Quang. Sinh năm 1942, (Giáo Họ Phaolô Bường) đã được Chúa gọi về. Thánh lễ An Táng ngày 23. 01. 2018 tại Nhà thờ Chính Tòa Đà nẵng.

Giáo xứ Chính Tòa xin chia buồn cùng gia đình tang quyến và xin Chúa sớm đưa linh hồn ông Tađêô về hưởng nhan thánh Chúa.

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Giáo Xứ Chính Tòa Mình Lớn Thật (t.t)

Cùng với các Chức việc, Giáo dân ghi danh mà không ở trong địa bàn Giáo xứ đã mang đến những hệ quả xấu ảnh hưởng đến việc phân chia địa bàn khu vực Giáo họ/ Giáo xứ cũng như hoạt động của các Giáo xứ. Việc xây dựng và thực hiện đời sống cộng đoàn ở các Giáo họ khó hoặc không thực hiện được vì các giáo dân ở quá xa nhau. Các hoạt động đạo đức bình dân như đọc kinh trong các tháng Thánh Tâm, Đức Mẹ, Giuse…Gần hơn, khi hữu sự: tang ma hiếu hỷ, mới thấy trở ngại lúng túng khi tiến hành các công việc cần thiết. Con trách Cha, Cha phiền lòng con vì các trở ngại không đáng có… Chẳng cần nêu rõ nhưng ai cũng có thể thấy các việc có thể xảy ra sau đó.

Chính Tòa cần đóng góp của giáo dân hơn cần mục vụ Giáo dân chăng? Các Giáo xứ kề cận thế nào? Các Giáo xứ cũng cần có Ca đoàn, cần sự đóng góp tài chính, cần có những người có lòng nhiệt thành, có năng lực giúp cho Linh mục Quản xứ trong việc phụng vụ mục vụ nói chung mà cách riêng nổ lực xây dựng hình ảnh một Giáo hạt, Giáo phận đồng hình đồng dạng với nhau để nói lên sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Cám ơn các Giáo dân dù không sống trong địa bàn Chính Tòa nhưng đã và đang cộng tác với Giáo xứ. Nhưng cũng xin đừng quên Giáo xứ nhà cũng cần họ cộng tác không kém. Đời sống Kitô hữu là đời sống cộng đoàn. Giáo xứ Chính Tòa nói riêng và các Giáo xứ trong Giáo hạt nói chung cần sự đóng góp nhiều mặt của Giáo dân sống trong địa bàn. Để từ đó có những chương trình mục vụ cụ thể hơn. Mà người hưởng lợi lại là chính các Giáo dân.

Chính chúng ta phải tự giải quyết vấn đề. Cách nào đây?

Xin dừng lại tản mạn ở lời mời gọi trở về.

(Luc.)

 

Để Tuyên Xưng Chúa Kitô

(Nếu thiếu chứng nhân thì lời rao giảng mất đi sức mạnh)

Đức tin được thông truyền qua các chứng nhân, qua đời sống của những con người sống đức tin. Giống như người ta nói về các Kitô hữu đầu tiên rằng: Xem kìa, họ sống yêu thương nhau làm sao!

Hôm nay, trong mỗi giáo xứ, có ai đó đến, nghe và nói điều này điều nọ. Thay vì nói rằng, họ yêu thương nhau, thì lại nói họ đang hại nhau. Và như thế, miệng lưỡi là con dao được dùng để nói xấu vu khống nhau. Làm thế nào để có thể thông truyền đức tin trong một bầu không khí hư hỏng như thế? Không thể được, vì đức tin luôn cần có chứng nhân. Người ta không nói rằng: Hãy nghe người ấy nói! Nhưng người ta sẽ nói: Hãy nhìn kìa, hãy xem các việc bác ái, hãy xem người ấy đi thăm viếng người ốm đau bệnh tật, tại sao người ấy lại làm như thế? Người ta sẽ tự hỏi rằng: Tại sao người ấy sống như thế? Với đời sống chứng nhân ấy, đức tin sẽ được thông truyền. Bởi vì, trong đời sống ấy có đức tin. Bởi vì đời sống ấy có dấu vết của Chúa Giêsu.

(Đức Giáo Hoàng Phanxico)