17. Kinh Thánh Cựu ước có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu?

– Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình là Đấng Sáng Tạo và gìn giữ thế giới, là Đấng lãnh đạo và Đấng huấn luyện của loài người. Các sách Cựu Ước cũng là Lời Chúa và là Kinh Thánh. Không có Cựu ước, ta không thể hiểu về Chúa Kitô trong Tân Ước. [121-123, 128-130, 140]

– Để dạy đức tin cho ta, một lịch sử lớn bắt đầu từ Cựu ước rồi tới khúc ngoặt quyết định trong Tân ước và đi đến cùng đích với tận thế và việc Chúa Kitô trở lại. Cựu ước còn hơn là một lời chỉ mở đầu cho Tân ước. Những điều răn và các lời tiên tri cho Dân của Cựu ước và những lời hứa cho cả nhân loại chứa đựng trong Cựu ước không bao giờ bị huỷ bỏ. Trong các sách Cựu ước có một kho tàng các kinh nguyện và các bản văn khôn ngoan không có gì thay thế được: đặc biệt các Thánh vịnh là trung tâm của kinh nguyện hằng ngày trong Hội Thánh.

 

? Cựu ước là phần đầu của Kinh Thánh và là Sách Thánh của Do Thái. Cựu ước của Hội thánh Công giáo gồm 46 sách: các sách lịch sử, các sách tiên tri và văn chương khôn ngoan cùng với các Thánh vịnh.

 

? Tân ước: Phần thứ hai của Kinh Thánh, bao gồm những bản văn riêng của Kitô giáo, nghĩa là 4 Tin Mừng, Công vụ các Tông đồ, 14 thư của Thánh Phaolô, 7 thư Công giáo và sách Khải huyền.

 

“Kinh Thánh không được viết để ta phê bình nhưng để Kinh thánh phê bình ta.” – Soren Kierkegaard

 

“Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob không phải của những triết gia và nhà thông thái… Chỉ tìm được Thiên Chúa nhờ những đường lối mà Tin Mừng chỉ dạy.” – Blaise Pascal, sau một mặc khải của thần linh