BẢN TIN 205

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Lễ Thánh Gia. 29/12/2013

Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” (Mt 2,13)

* Suy niệm: Nếu tổ phụ Giuse trong Cựu Ước được các anh mình gọi là “thằng chiêm bao” thì thánh cả Giuse, dưỡng phụ của Chúa Giêsu, cũng là một ‘con người của chiêm bao’ như thế. Ngài đã từng được báo mộng để chấp nhận đón Maria về nhà. Trong trình thuật hôm nay, Thánh Giuse được báo mộng đến ba lần nữa, mỗi lần là một thông điệp cụ thể Chúa truyền cho ngài thi hành. Thế đấy, thánh cả Giuse sống đắm chìm trong thánh ý Thiên Chúa như cá sống trong nước! Ngài nhạy bén với tiếng của Chúa đến mức nghe được tiếng ấy hết sức rõ ràng và thật dễ dàng: Giuse nghe được tiếng Chúa ngay trong giấc mơ của mình – chẳng cần qua bất cứ trung gian nào cả! Và nhất là mỗi lần nhận ra tiếng Chúa, ngài luôn mau mắn thi hành. Đức vâng phục tuyệt vời của thánh cả Giuse –và của cả Thánh Gia– phải trả giá với biết bao lận đận, nhọc nhằn phải gánh chịu. Chúng ta hãy hình dung một gia đình di cư/tị nạn gần như hoàn toàn tay trắng. Cuộc sống của gia đình ấy thật bấp bênh, không có gì bảo đảm ngoài nghị lực của Giuse và Maria, nghị lực được rút ra từ niềm tin vững vàng vào thiên ý. Nhìn Thánh Gia và khám phá bí quyết để làm cho một gia đình trở thành gia đình thánh, đó là: chỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

29.12   : TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Lễ Thánh Gia. Lễ Trọng.

30.12   :  Thứ hai. TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.

31.12   :  Thứ ba. TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.

01.01   :  Thứ tư. CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH,  LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA, Lễ trọng. Ngày cầu cho Hoà bình thế giới

02.01   :  Thứ năm. Đầu tháng. Thánh Ba-si-li-ô Cả và thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.  Lễ nhớ.

03.01   :  Thứ sáu. Đầu tháng. Danh Thánh Chúa Giê-su

04.01   : Thứ bảy. Đầu tháng.

05.01   :LỄ HIỂN LINH. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* 10 sự kiện đáng chú ý nhất trong sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam. 

– Giáo hội toàn cầu:

1. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm ngày 11-02 và Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng ngày 11-02

2. Đức Thánh Cha thành lập một Hội đồng Hồng y để trợ giúp ngài cai quản Giáo hội ngày 28-09

3. Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin lúc 10g30 sáng Chúa nhật 24-11 

4. Ban hành Thông điệp Lumen Fidei ngày 05-07

5. Chân phước Gioan XXIII và Chân phước Gioan Phaolô II sẽ được tuyên thánh vào ngày 27-04-2014. Thông báo này đã được cha Federico Lombardi S.J. Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo ngày 05-07

6. Chầu Thánh Thể trên toàn thế giới, Chúa nhật 02-06, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

7. Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil diễn ra ngày 22-07 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ toạ.

8. Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh ĐứcTổng giám mục Parolin chính thức nhận chức vụ Quốc vụ khanh Toà Thánh ngày 15-10-2013 

9. Thượng Hội đồng Giám mục từ ngày 05 đến ngày 19-10-2014, về chủ đề “Những thách đốmục vụ đối với gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”

10. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nhân vật của năm” năm 2013, ngày 11-12, tuần báo Time của Hoa kỳ công bố bình chọn Đức giáo hoàng Phanxicô là “Nhân vật của năm” năm 2013.

– Giáo hội Việt Nam:

1. Đại hội lần thứ XII Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 07 đế ngày 11-10-2013 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM.

2. Tân Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Tp. HCM, ngày 28-09, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Tân giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, ngày 28-02, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu toà Gadiaufala.

4. Tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá và giáo phận Vinh, ngày 15-06, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha An-phong Nguyễn Hữu Long, làm giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá và cha Phêrô Nguyễn Văn Viên làm giám mục phụ tá giáo phận Vinh. 

5. Giáo phận Vĩnh Long mừng 75 năm thành lập vào ngày08-01

6. Giáo phận Đà Nẵng: Khai mạc Năm Thánh kép từ ngày 18-01-2013 đến 18-01-2015. Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh được tổ chức tại Nhà thờ Trà Kiệu vào ngày 18-01-2013.

7. Giáo phận Bắc Ninh kỷ niệm 130 năm thành lập vào gày 29-05.

8. Giáo phận Lạng Sơn mừng kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 21-11.

9. Kết thúc điều tra án phong chân phước cho Đức hồng y Thuận (cấp giáo phận), ngày 05-07, Thánh lễ tạ ơn nhân bế mạc cuộc điều tra ở cấp giáo phận án phong chân phước cho Người Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tại Vương cung thánh đường thánh Antôn Pađua, Roma.

10. Hội nghị các Đại chủng viện Việt Nam nhóm họp từ ngày 05 đến 10-08 tại Toà giám mục Đà Lạt. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: thông tin – thông báo

1. Ngày 29/12/2013, các Thánh lễ sáng Chúa nhật (Lễ Thánh Gia Thất) như thường lệ và buổi chiều chỉ có 01 Thánh lễ đồng tế lúc 17g00 ngoài lễ đài do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế.

2. Từ Thứ hai, 30/12/2013 đến Thứ bảy, 04/01/2014 giáo họ Micae Hy phụ trách trực Phụng Vụ.

3. Thứ tư, ngày 01/01/2014 Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ sáng 05g00 do GH Micae Hy phụ trách, 10g00 lễ Tiếng Anh, buổi chiều lúc 17g00 do hội Legio phụ trách.

4. Thứ năm đầu tháng, 02/01/2014 giáo xứ Chầu Thánh Thể lúc 19g30, do ban Phụng Vụ phụ trách, xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.

5. Chúa nhật, 05/01/2014 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ, xin nộp giấy giới thiệu tại văn phòng GX, cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g00 thứ bảy, 04/01/2014.

6. Xin mời anh chị em tân tòng thuộc các khóa giáo lý dự tòng từ năm 2009- 2013 vào lúc 07g30, sáng Chúa nhật, 05/01/2014 về Tòa Giám Mục, 156 Trần Phú, họp mặt do Đức Giám mục Giáo Phận chủ trì. Ai đi được xin đăng ký với cha quản xứ nơi mình cư ngụ hoặc với giảng viên đồng hành khi học giáo lý dự tòng.

7. Lớp giáo lý hôn nhân của hạt Đà nẵng sẽ khai giảng vào lúc 19g30, Thứ hai, 06/01/2014 tại hội trường giáo xứ Chính Tòa Đà nẵng.

8. Lớp Giáo lý dự tòng sẽ khai giảng vào lúc 19g30, Thứ ba, 07/01/2014 tại hội trường giáo xứ Chính Tòa Đà nẵng. Xin lấy giấy giới thiệu và nộp đơn về văn phòng giáo lý hôn nhân hoặc nhà sách giáo xứ Chính Tòa, hạn cuối là Chúa nhật 05/01/2014.

 

   GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 5

17. Chúng ta phải đọc và giải thích Thánh Kinh thế nào?

Chúng ta phải đọc và giải thích Thánh Kinh với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh.

18. Hội Thánh đưa ra những tiêu chuẩn nào giúp chúng ta hiểu đúng Thánh Kinh?

Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn này:

– Một là chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh;

– Hai là đọc Thánh Kinh trong truyền thống sống động của Hội Thánh;

– Ba là chú ý đến sự hài hòa giữa các chân lý đức tin.

19. Thánh Kinh có mấy phần?

Thánh Kinh có hai phần: một là Cựu ước, gồm 46 cuốn; hai là Tân ước, gồm 27 cuốn.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

35. Thưa Cha, có bình thường không nếu yêu cầu các tín hữu tham dự một nghi thức phụng vụ, đóng góp một số tiền, hoặc phải trả lễ an táng?

Sự quyên tiền là gì? Đó không phải là một thứ thuế, một giá biểu của một dịch vụ, đó là sự tự nguyện góp phần vào ngân sách của giáo xứ. Đồng thời, đó cũng là một lễ vật. Khi chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể, chúng ta hợp thành cộng đoàn hiến dâng Thiên Chúa những lời khẩn nguyện, chúng ta dự phần vào tiệc thánh của Chúa Kitô. Đóng góp là cách biểu lộ bằng hành động cụ thể, hữu hình, việc hiến dâng này.

Việc quyên tiền này thực hiện lúc dâng lễ vật, khi mà chúng ta cùng dâng bánh và rượu trên bàn thờ. Những lễ vật trong các dịp rửa tội, hôn phối, an táng cũng có cùng một ý nghĩa đó. Thánh lễ thật vô giá! Vì vậy, nếu có điều kiện, chúng ta nên thể hiện bằng một hành động hiệp thông vào kinh nguyện của một vị chủ tế, qua việc tham gia vào các chi phí của Giáo Hội để bảo đảm công tác phục vụ.

Cộng đoàn giáo xứ không chỉ tồn tại chỉ nhờ vào sự đóng góp của giáo dân. Hằng năm, việc đóng góp còn được thực hiện dưới hình thức “tiền dâng Giáo Hội”,  hay “tiền xin lễ”.

Có dư luận khá phổ biến cho rằng Giáo Hội giàu có và có lắm nguồn thu. Họ quên rằng, với đạo luật tách rời Giáo Hội và Nhà nước (tại Pháp), những nơi phượng tự không còn là tài sản của Giáo Hội nữa. Phần bất động sản nào còn thuộc quyền Giáo Hội thì không còn là nguồn thu nhập nữa, mà lại trở thành gánh nặng tài chính (bảo trì, bảo hiểm, thuế má…). (Còn tiếp)