BẢN TIN 227

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 8/6/2014

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em, hãy nhận Thánh Thần.” (Ga 20,22)

* Suy niệm: Làn hơi nhẹ Chúa Giê-su thổi trên các tông đồ để ban Thánh Thần cho các ông trong ngày Phục Sinh trở thành “luồng gió mạnh” trong ngày lễ Ngũ Tuần và đã bùng lên thành “ngọn lửa” mãnh liệt và nồng cháy của Thánh Thần để biến đổi toàn diện các tông đồ. Ngọn lửa mà Chúa Giê-su đem đến trần gian và ước mong nó được cháy lên (Lc 12,49) chính là Lửa Tình Yêu của Thánh Thần nồng cháy và trào tràn nơi Chúa Cha và Chúa Con được thông ban tràn đầy cho các tông đồ. Cụ thể, hôm nay Lửa Tình Yêu đó bừng cháy lên nơi những ai đặt niềm tin nơi Đức Ki-tô để trở thành môn đệ của Ngài và tiếp tục toả lan cho đến tận cùng thế giới.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Đức Chúa Thần Thánh là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính và một quyền năng như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Lời tuyên xưng đó sẽ là trống rỗng nếu chúng ta không để Lửa Tình Yêu của Ngài bừng cháy lên trong cuộc sống: Ngài ở giữa những cặp vợ chồng để họ biết trung thành, hy sinh và chung thủy với nhau; Ngài ở giữa những người con để họ sống với cha mẹ bằng tấm lòng thảo hiếu. Và Ngài cũng ở giữa bạn và tôi để chúng ta biết yêu nhau và tâm đầu ý hợp.  (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

08.6   : Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân – Ga 20, 19-23

09.6   :     Thứ hai. Thánh Ép-rem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh. Mt 5,1-12

10.6   :     Thứ ba. Mt 5,13-16

11.6   :     Thứ tư. Thánh Ba-na-ba, Tông Đồ. Lễ nhớ. Mt 10,7-13

12.6   :     Thứ năm. Mt 5,20-26. Thánh Augustinô Phan Viết Huy, quân nhân, tử đạo 1839. Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, quân nhân, tử đạo 1839.  Thánh Đa-minh Đinh Đạt, quân nhân, tử đạo 1839.

13.6   :     Thứ sáu. Thánh An-tôn Pa-đô-va, Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Mt 5,27-32

14.6   :     Thứ bảy. Mt 5,33-37

15.6   : Chúa Nhật LỄ CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Ga 3,16-18

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của Đồng Minh tại Normandy. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một sứ điệp đến các Giám Mục Pháp, thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, để đánh dấu kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của Đồng Minh tại Normandy. Đó là một thời điểm quyết định dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã vinh danh những người lính “bỏ lại phía sau đất nước của họ để đổ bộ lên bãi biển Normandy, với mục tiêu là để chiến đấu chống lại chế độ man rợ Đức Quốc xã và giải phóng nước Pháp đang bị chiếm đóng.”

Ngài bày tỏ mong muốn là các thế hệ mới nhận ra những nỗ lực của những người đã phải trả một giá hy sinh to lớn như vậy. Đức Thánh Cha cũng mong rằng việc kỷ niệm những sự kiện này góp phần giáo dục việc tôn trọng tất cả mọi người. Thêm vào đó, kỷ niệm này cũng nên “nhắc nhở chúng ta rằng việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội chẳng mang lại sự gì khác hơn là chết chóc và đau khổ.” (vietcatholic.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Aram I. ĐTC liên đới với những đau khổ, thử thách của dân tộc Arméni, đồng thời kêu gọi các tín hữu Kitô Trung Đông tiếp tục tin tưởng và hy vọng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5-6-2014, dành cho phái đoàn của Đức Thượng Phụ Aram I, Giáo chủ Arméni Tông Truyền Cilicia, có tòa gần Beirut, Liban, đến viếng thăm Tòa Thánh.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC đề cao những dấn thân của Đức Thượng Phụ Aram I cho chính nghĩa hiệp nhất các tín hữu Kitô trong chức vụ Chủ tịch Ủy ban trung ương Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, cũng như trong cuộc đối thoại thần học giữa các Giáo Hội Chính Thống Đông phương và Công Giáo.

ĐTC cũng nhắc đến lịch sử đau thương của dân tộc Armeni và Giáo Hội Tông truyền Arméni bị bó buộc trở thành một dân tộc lữ hành, chịu bách hại và tử đạo, để lại những vết thương sâu đậm trong tâm hồn của mọi người Armeni. ĐTC nói: ”Chúng ta phải nhìn và tôn kính các vết thương ấy như những vết thương của chính thân mình Chúa Kitô. Chính vì thế, các vết thương đó cũng là nguyên nhân niềm hy vọng và tín thác không lay chuyển nơi lòng từ bi quan phòng của Chúa Cha”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Các anh chị em Kitô tại Trung Đông, cũng đang cần niềm tín thác và hy vọng như thế, đặc biệt những người đang sống tại những vùng tan hoang vì xung đột và bạo lực. Cả các tín hữu Kitô chúng ta cũng cần niềm tín thác và hy vọng ấy, dù chúng ta không phải đương đầu với những khó khăn, nhưng nhiều khi chúng ta có nguy cơ bị lạc mất trong sa mạc của sự dửng dưng và quên Chúa, hoặc sống trong xung đột giữa anh chị em hay ngã gục trong các trận chiến nội tâm chống lại tội lỗi. Trong tư cách là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải học cách khiêm tôn vác đỡ gánh nặng cho, giúp nhau ngày càng trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, trở thành Kitô hữu tốt đẹp hơn”. Sau buổi tiếp kiến, ĐTC và phái đoàn của Đức Thượng Phụ Aram I đã cầu nguyện chung tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc ở trong dinh Tông Tòa, bằng tiếng Ý, Arméni và tiếng Anh. (vietvatican.net)

* Vatican. Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho hoà bình tại Thánh Địa vào ngày 5/6/2014, có đoạn: “…Lễ trọng kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống… tôi xin anh em chuyển đến các vị chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục các nước trong vùng anh em làm Đại Diện, lời yêu cầu mời gọi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng hiệp thông cầu nguyện trong sự kiện này”.

* Việt Nam. Thông báo của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN về việc cầu nguyện cho hoà bình tại Thánh Địa, trong đó có đoạn: “Theo Thư của Đức giáo hoàng kêu gọi trực tiếp sẽ được chuyển đến quý vị sớm nhất, nhân danh ngài tôi xin chuyển lời kêu gọi này đến tất cả quý Đức cha, quý cha và anh chị em Dân Chúa tại Việt Nam.” (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: Thông báo Số 25/TB/GXCT/2014

1. Chúa nhật, 08/6 lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào lúc 8g00, giáo xứ chúng ta có 50 em sẽ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự cầu nguyện cho các em.

2. Từ thứ hai, 09/6 đến hết lễ chiều thứ bảy, 14/6 giáo họ Phêrô Lựu phụ trách trực phụng vụ.

3. Thứ tư, 12/6 vào lúc 17g00 lễ bổn mạng ban Lễ Sinh. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

4. Mời cộng đoàn giáo họ Augustinô Huy tham dự buổi tĩnh tâm lúc 19g30 thứ tư ngày 11/6 để chuẩn bị mừng lễ giáo họ mình. Lễ kính Thánh Augustinô Huy được cử hành trọng thể lúc 17g00 thứ năm, ngày 12/6. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

5. Thứ năm 12/6, giáo xứ Chầu Thánh Thể, hội Bác Ái Vinh Sơn phụ trách.

6. Thứ sáu, 13/6 lễ Thánh Antôn Quan Thầy của Cha Nguyên Tổng Đại Diện Antôn Trần Văn Trường, Cha Nguyên Quản Xứ Antôn Nguyễn Trường Thăng, đoàn Phan Sinh giáo xứ Chính Tòa và 126 giáo dân, thánh lễ đồng tế được cử hành lúc 5g00. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.

7. Thứ bảy, 14/6 vào lúc 9g30 có Thánh Lễ cầu nguyện phong Thánh cho linh mục tôi tớ Chúa Capodano, xin mời cộng đoàn sốt sắng tham dự. 

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 28

109. Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả thế nào trong Bữa Tiệc Ly?

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc “tưởng nhớ” đến hy tế của Ngài (1 Cr 11,25), vừa thiết lập chức tư tế của Giao ước mới.

110. Trong cơn hấp hối tại vườn cây dầu, Chúa Giêsu có thái độ nào?

Trong cơn hấp hối, mặc dù Chúa Giêsu khiếp sợ cái chết, nhưng Ngài vẫn một lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha để cứu độ chúng ta. (x. Pl 2,8).

111. Hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá đem lại cho chúng ta điều gì?

Hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá xóa bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29) và giao hòa toàn thể nhân loại với Chúa Cha.

112. Vì sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình?

Vì Chúa Giêsu muốn các môn đệ kết hợp với hy tế cứu độ của Ngài.

113. Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Ngài nằm trong mồ?

Chúa Giêsu đã chết thật và đã được mai táng trong mồ, nhưng quyền năng Thiên Chúa gìn giữ thân xác Ngài không bị hư nát.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

61- Cha chánh xứ chúng con tổ chức nghi thức sám hối với việc xá giải tập thể. Hình như việc này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp. Thưa Cha, có đúng như vậy không? Việc xưng tội cá nhân có tương đương với việc xá giải tập thể không?

Xưa kia, việc cư hành nghi thức sám hối cộng đồng, với việc xá giải tập thể mà không có sụ xưng tội cá nhân đi kèm, được dành riêng cho những trường hợp ngoại lệ (như đắm tàu, chiến tranh..v..v…). Ngày nay, việc này vẫn còn là ngoại lệ, nhưng có thể được tổ chức, tùy theo sự lượng định của Giám mục, khi có quá nhiều người ao ước xưng tội mà không có đủ cha giải tội, và những người này đã không được rước lễ trong suốt một thời gian.

Trong khi cử hành nghi thức sám hối này, những người ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, làm dấu bày tỏ ý muốn của mình. Cần minh định rằng những tội trọng sẽ được xưng thú sau đó với linh mục: việc xưng thú không được hủy bỏ, mà được hoãn lại trong một thời gian. Cũng có những nghi thức sám hối tập thể, sau đó từng cá nhân xưng thú tội riêng mình và lãnh nhận ơn xá giải cá nhân.

Trong mọi trường hợp liên quan, việc xưng thú là điều cần thiết ở bất cứ hình thức giải tội nào, bởi vì việc xưng thú cho phép con người nhận biết tội lỗi của mình, đồng thời tự tách mình ra khỏi tội. Tự nhận biết mình là phạm nhân trước Thiên Chúa tình yêu, đó là tin vào sự khoan dung của Ngài và không nản lòng vì tội lỗi của mình. Lãnh nhận bí tích hòa giải, đó cũng là nhìn nhận mình không phải là quan án tối cao của đời mình.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 62- Thưa Cha, làm sao tiến hành nghi lễ hôn nhân khi một trong hai người là công giáo và người kia là tin lành?