BẢN TIN 267

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN IV Mùa Chay. 15/3/2015

“Thiên Chúa yêu  thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải  chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Cuộc  chuyện trò giữa Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô không đơn thuần là một cuộc trò  chuyện xã giao, mà còn là lúc Chúa Giê-su tự mặc khải Ngài là Con Thiên Chúa,  Đấng Cứu Độ trần gian. Nơi Chúa Giê-su và nhờ Chúa Giê-su, chúng ta mới được  biết rõ về mầu nhiệm của Thiên Chúa và đường lối của Người. Ngài là hiện thân  của tình yêu thương của Thiên Chúa – nhất là qua cái chết và sự phục sinh của  Ngài. Chúa Giê-su tỏ rõ cho con người biết lòng Chúa Cha yêu thương con người  cách trọn vẹn.

Hạnh  phúc của con người là yêu và được yêu. Khi cảm nghiệm mình được Chúa yêu  thương, một cách tự nhiên, chúng ta chỉ có một cách đáp đền đó là yêu mến Ngài  bằng cách sống theo Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương với anh chị em  đồng loại. Cách sống yêu thương đó là lời chứng cho mọi người biết rằng: Thiên  Chúa Là Tình Yêu. Mời bạn nhìn ngắm Chúa  Giê-su trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài để nhận ra “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” và  cũng để nhận ra nơi Đức Giê-su mẫu gương tuyệt hảo của việc đáp đền tình yêu  Chúa, đó là: “Lạy Thiên Chúa, này con  đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7). (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

15.03 : Chúa Nhật IV MÙA CHAY. Ga 3,14-21

16.03 :     Thứ hai. Ga 4,43-54

17.03 :     Thứ ba. Thánh Pa-tri-xi-ô, Giám mục. Ga 5,1-3a.5-16.

18.03 :     Thứ tư. Thánh Cy-ri-lô Giê-ru-sa-lem, TSHT. Ga 5,17-30

19.03 :     Thứ năm. THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mt 1,16.18-21.24a

20.0:  Thứ sáu. Ga 7,1-2.10.25-30

21.03 :     Thứ bảy. Ga 7,40-53

22.3   : Chúa Nhật V MÙA CHAY. Ga 12,20-33

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Đức hồng y Tauran tuyên thệ nhậm chức Nhiếp chính. Sáng thứ Hai 09 tháng Ba, tại nhà nguyện Giáo hoàng Urbanô VIII trong Điện Tông Toà, Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, đã tuyên thệ nhậm chức Nhiếp chính của Giáo Hội Roma. Ngài được bổ nhiệm vào chức vụ này ngày 20-12-2014.

Theo cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, trong dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự một buổi cử hành phụng vụ ngắn, gồm một số bài đọc Sách Thánh, nhưng ngài đã không phát biểu gì.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Đức hồng y Tauran cũng nói lời cảm ơn ngắn gọn.

Khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức, vị Hồng y Nhiếp chính là một trong hai giám chức của giáo triều Roma vẫn giữ nguyên chức vụ. Vị kia là Chánh án Toà Ân giải Tối cao.

Nhiệm vụ của Hồng y Nhiếp chính khi Toà Thánh trống toà là quản lý tài sản của Giáo hội cho đến khi bầu xong giáo hoàng mới. Hồng y Nhiếp chính cũng có nhiệm vụ xác nhận một Giáo hoàng đã qua đời và sau đó hủy chiếc nhẫn của vị cố giáo hoàng. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố mở Năm Thánh đặc biệt vào cuối năm 2015. Ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

Việc mở Năm Thánh 2015 diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II vào năm 1965. Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy Giáo hội tiếp tục công trình mà Vatican II đã khởi sự.

Trong truyền thống Do Thái cổ, Năm Hồng ân được tổ chức mỗi 50 năm, để khôi phục sự bình đẳng trong tất cả con cái của Israel, tạo cơ hội mới cho các gia đình đã mất tài sản và cả tự do cá nhân nữa. Ngoài ra, Năm Hồng ân còn là lời nhắc nhớ cho những người giàu có rằng sẽ đến thời mà các nô lệ Do Thái của họ lại được bình đẳng với họ và có thể đòi lại quyền lợi của mình. “Công lý, theo Luật của Israel, trước hết là để bảo vệ những người yếu” (Thánh Gioan Phaolô II, Tertio millenio Adveniente 13).

Truyền thống Công giáo về Năm Thánh bắt đầu với Đức giáo hoàng Bônifaxiô VIII vào năm 1300. Đức Bônifaxiô VIII đã ấn định mỗi thế kỷ sẽ có một năm Thánh. Từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng Năm Thánh, Năm Thánh thường lệ được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức giáo hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt.

Cho đến nay, đã có 26 Năm Thánh thường lệ được mở, gần đây nhất là Năm Thánh 2000. Việc mở Năm Thánh đặc biệt có từ thế kỷ XVI. Trong thế kỷ vừa qua đã có hai Năm Thánh đặc biệt: năm 1933, do Đức giáo hoàng Piô XI công bố để kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu chuộc và năm 1983, do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố vào dịp 1950 năm Ơn Cứu chuộc. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Quyên góp cho Thánh Địa: bổn phận của các Kitô hữu. Đức hồng y Leonardo Sandri, Bộ trưởng Bộ Các Giáo hội Đông Phương, đã viết thư gửi các giám mục trên toàn thế giới để kêu gọi “Quyên góp cho Thánh Địa”, nhằm trợ giúp các cộng đồng tín hữu và các địa điểm hành hương tại Thánh Địa. Theo truyền thống cuộc Quyên góp cho Thánh Địa được thực hiện vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm.

Trong bức thư đề ngày 18-02-2015, Đức hồng y Sandri nhắc lại rằng khu vực này đang trải qua thời gian khủng hoảng; ngài viết: “Hiện nay, có hàng triệu người tị nạn phải trốn chạy khỏi Syria và Iraq, nơi vẫn chưa im tiếng súng và con đường đối thoại và hoà hợp dường như hoàn toàn mất hy vọng. Đang khi đó lòng hận thù điên rồ dường như thắng thế, cùng với nỗi tuyệt vọng bất lực của những người đã mất tất cả và bị đuổi khỏi miền đất của tổ tiên mình. Nếu các Kitô hữu ở Thánh Địa được khuyến khích hết sức chống lại cám dỗ trốn chạy –là điều có thể hiểu được–, thì các tín hữu trên toàn thế giới cũng được yêu cầu quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn ấy của họ. Cả những anh chị em tín hữu trong Chúa Kitô thuộc các hệ phái khác cũng chung một cảnh ngộ: đó là một cuộc đại kết bằng máu sẽ hướng tới niềm vui hiệp nhất: “ut unum sint”! (xin cho họ nên một). Năm nay cho chúng ta thấy một cơ hội còn quý giá hơn để trở thành người hành hương trong đức tin theo gương của Đức Thánh Cha: hồi tháng Năm năm ngoái Đức Thánh Cha đã đến thăm mảnh đất này, mảnh đất rất yêu quý cả với các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo. Đây là dịp để trở thành những người ủng hộ đối thoại qua hoà bình, cầu nguyện và chia sẻ gánh nặng”.

Cuộc quyên góp sẽ giúp cho nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, theo những cách khác nhau và ở những mức độ khác nhau, là: Jerusalem, Palestine và Israel, Jordan, Cyprus, Syria, Liban, Ai Cập, Ethiopia và Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.

Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa đã biên soạn một tài liệu trình bày các công việc được thực hiện nhờ cuộc quyên góp năm 2014. Các quỹ khẩn cấp đã được phân phối chủ yếu ở Syria và Iraq. Các xí nghiệp thủ công ở Jordan cũng nhận được trợ giúp; nguồn tài trợ còn dành cho các cộng đoàn giáo xứ, việc tái thiết và phục hồi các điểm du lịch, và trợ giúp y tế tại Bethlehem; cũng như xây dựng nhà ở tại Jerusalem cho các gia đình nghèo và các đôi vợ chồng trẻ muốn ở lại Thánh Địa.

Ngoài ra, nguồn tài trợ cũng dành cho các dự án về các trường học, các đại học và các công trình văn hoá, thông qua Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa, như Phân khoa Kinh Thánh và Khảo cổ học của Học viện Kinh Thánh Phanxicô ở Jerusalem và Trung tâm Truyền thông Phanxicô, và cuối cùng là bảo trì và phục hồi các nơi thánh. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 18/TB/GXCT/2015

  1. Từ thứ hai 16/3 cho đến chiều thứ bảy 21/3, Giáo họ GiuSe Viên phụ trách trực phụng vụ.
  2. Thứ ba 17/3 vào lúc 19g30 kính mời Ban Điều hành các Giáo họ, Trưởng, Phó các Giới, Ban Ngành, Đoàn thể tham dự buổi họp tại Hội trường Giáo xứ để bàn các việc cần thiết. Thông báo này thay cho giấy mời, xin quý vị tham dự đông đủ.
  3. Thứ năm 19/3 lễ Thánh Giuse quan thầy của Đức Giám Mục Giáo phận, Cha cựu Phó xứ Giuse Nguyễn Thanh Sơn, Cha Giuse Lê Công Đức, Cha Giuse Nguyễn Văn Khang, Cha Giuse Trần Văn Việt, Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Thanh Tùng và 445 giáo dân. Thánh lễ được cử hành trọng thể lúc 17g00. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  4. Thứ sáu 20/3 vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá. Giới Người Mẹ và Hội Legio phụ trách.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 68

254. Những ai có thể ban Bí tích Rửa Tội?

Thông thường là Giám mục, linh mục hoặc phó tế, nhưng khi cần thiết thì bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh.

255. Bí tích Rửa Tội có cần thiết cho ơn cứu độ không?

Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ, đối với những ai đã nghe rao giảng Tin Mừng và có khả năng xin lãnh nhận bí tích này.

256. Người không lãnh Bí tích Rửa Tội có được cứu độ không?

Người không lãnh Bí tích Rửa Tội có thể được cứu độ trong ba trường hợp này:

– Một là chết vì đức tin;

– Hai là có lòng ước ao nhưng chưa có điều kiện lãnh nhận Bí tích Rửa Tội;

– Ba là chưa được biết Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay lành.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

15. Kinh Thánh có thể là chân lý sao được, vì trong đó có những điều không chính xác?

– Kinh Thánh không có ý chuyển đạt cho ta những xác định về lịch sử, hoặc những thông tin về khoa học. Đàng khác, các người Thiên Chúa dùng để viết Kinh Thánh là những người thời đó. Họ chia sẻ những tư tưởng về văn hoá của thời đó, và có thể phạm những sai lầm của thời đó. Nhưng tất cả những điều gì con người cần biết về Thiên Chúa và về con đường cứu độ đều được tìm thấy trong Kinh Thánh cách chắc chắn, không thể sai lầm. [106-107, 109]

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 16. Làm thế nào để đọc Kinh Thánh cho đúng?