BẢN TIN 376

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH – A. 21/05/2017

“Thầy sẽ xin Cha và Thầy sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14,16)

Suy niệm: Khi ở với môn đệ, Chúa Giê-su vừa là Thầy, vừa là Đấng Bảo Trợ các ông. Nay sắp rời bỏ các ông về trời, Ngài hứa ban một Đấng Bảo Trợ khác thay Ngài. Đấng Bảo Trợ ấy chính là Chúa Thánh Thần, Ngài dường như ẩn mình nhưng luôn hiện diện và hoạt động cách vô hình trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế. Chúa Giê-su đã ví Thánh Thần giống như gió “muốn thổi đâu thì thổi, ta nghe tiếng gió nhưng không biết từ đâu tới và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Ước mơ của Chúa Giê-su là ngọn lửa Ngài đã ném vào mặt đất được bùng lên (x. Lc 12,49). Bây giờ ước mơ nồng cháy ấy của Ngài được hiện thực qua Thánh Thần, Đấng đốt lửa kính mến Chúa và soi sáng, hướng dẫn lương tri con người. Những việc tốt lành ta làm, các con người tốt của thế giới đều do chính Thánh Thần thúc đẩy, là hoa quả do tác động của Ngài.

Tân sáng tạo là hoạt động của Thánh Thần, Ngài canh tân và hoàn thành mọi sự (x. Kh 21&22). Cuộc sáng tạo mới ấy vẫn đang tiếp diễn trên thế giới, bạn có muốn góp một tay vào cuộc sáng tạo mới ấy ngay trong xã hội của bạn không?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

21.05 : Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. Ga 14,15-21

22.05 :     Thứ hai. Thánh Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu. Ga 15,26-16,4a. Thánh Micae Hồ Đình Hy, quan thái bộc, tử đạo 1857. Thánh Lorensô Ngôn, nông dân, tử đạo 1862.

23.05 :     Thứ ba. Ga 16,5-11

24.05:     Thứ tư. Ga 16,12-15

25.05 :     Thứ năm. Thánh Bê-đa Khả Kính, Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh; Thánh Grê-gô-ri-ô VII, Giáo Hoàng; Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na Pát-zi, trinh nữ. Ga 16,16-20

Thánh Phêrô Đoàn Văn Vân, thầy giảng, tử đạo.

26.05:     Thứ sáu. Thánh Phi-lip-phê Nê-ri, Linh mục. Lễ nhớ. Ga 16,20-23a.

Thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan, linh mục, tử đạo 1861. Thánh Matthêô  Nguyễn Văn Phượng, giáo dân, tử đạo 1861.

27.05:     Thứ bảy. Thánh Au-gus-ti-nô Can-tu-a-ri-ô. Ga 16,23b-28.

Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THĂNG THIÊN.

28.05 : Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mt 28,16-20

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Đà Nẵng. Rao Điều Tra Các Ứng Viên Trước Khi Chịu Chức Linh Mục. Theo thông báo ngày 18/5/2017 của Văn phòng Tòa Giám Mục Đà Nẵng, 07 Thầy Phó tế, trong đó có Thầy phó tế Phêrô PHAN ĐÌNH LẬP, thuộc Giáo xứ Phú Thượng, hiện đang thực tập mục vụ tại Giáo xứ Chính Tòa dự kiến được truyền chức Linh mục vào ngày 23 tháng 6 năm 2017, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng Giáo phận, tại Nhà thờ Chính Tòa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho Quý thầy, đặc biệt thầy Phó tế Phêrô.

* Hoa Kỳ. “Giải quốc tế cho Phụ nữ dũng cảm” cho nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ ở Syria. Chị Carolin Tahhan Fachakh, người Syria, nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, là một trong 13 phụ nữ đã được trao “Giải quốc tế cho Phụ nữ dũng cảm” (International Women of Courage Award) năm 2017 – lễ trao giải diễn ra ngày 29-03-2017 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đây là giải thưởng uy tín của chính phủ Hoa Kỳ dành cho những phụ nữ đã thể hiện lòng can đảm phi thường trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Chị Carolin tận mắt chứng kiến nên biết rõ những hoàn cảnh ấy ra sao, khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ bảy: “Bây giờ văn hoá của trẻ em là văn hoá chiến tranh. Chúng có thể phân biệt được âm thanh của tên lửa với tiếng súng đại bác. Có lần, vào buổi sáng, khi vừa chào bọn trẻ, tôi nghe một tiếng nổ. Tôi hỏi một giáo viên ở bên cạnh: “Cái gì vậy?” Ngay lập tức một đứa trẻ đứng trước mặt tôi, khoảng 4 tuổi, trả lời: “Thưa sơ, đó là tiếng súng đại bác”.

Chị cho biết mặc dù có chiến tranh và đau khổ, việc chung sống giữa các tôn giáo ở Syria vẫn như trước khi xảy ra xung đột, chẳng hạn: “Thỉnh thoảng có một vụ bắn tên lửa hoặc có một vụ nổ, nhiều người Hồi giáo đến gõ cửa và hỏi chúng tôi xem chúng tôi có ổn không hay cần gì không”.

Chị Carolin Tahhan Fachakh được chọn trao giải vì đã “làm việc không mệt mỏi để giúp cho các nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất ở Syria, đặc biệt là người dân và trẻ em tị nạn ở trong nước”.

“Giải quốc tế cho Phụ nữ dũng cảm” được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice thành lập từ năm 2007 và được trao hằng năm cho các phụ nữ trên khắp thế giới chứng tỏ khả năng lãnh đạo, lòng can đảm, tài tháo vát của mình và sẵn sàng hy sinh cho người khác; qua đó thúc đẩy gia tăng các quyền của phụ nữ. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 30TB/GXCT/2016-2017

  1. Từ thứ hai 22/5 đến thứ bảy 27/5 giáo họ Phaolô lộc trực phụng vụ.
  2. Thứ năm 25/5 sau thánh lễ17g00 có giờ Chầu Mình Thánh do Giới Trẻ phụ trách.
  3. Thứ bảy 27/5 vào lúc 16g00 có rước kiệu bế mạc Tháng Hoa tại Núi Đá do Ban Giáo Lý phụ trách.
  4. Giáo xứ có tổ chức cho giáo dân hành hương Trà Kiệu ngày 31/5, ai muốn đi xin đăng ký với anh Ngọc trật tự từ ngày thứ hai 22/5 vào lúc 16g-18g trước phòng Bác Ái Vinh Sơn.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Không khiếm nhã

“Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu.Từ ngữ này muốn nói rằng tình yêu thì không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt. Các cách thức, lời nói và cử chỉ của nó đem lại sự dễ chịu và không chua chát hay cứng cỏi. Yêu thương thì không muốn làm cho người khác đau khổ. Hòa nhã “là một trường học dạy sự mẫn cảm và tinh thần vô vị lợi”, nó đòi người ta “phải vun xới tâm tư và tình cảm của mình, học biết lắng nghe, ăn nói, và có những lúc cũng biết thinh lặng”.  Hòa nhã không phải là một lối sống mà một Kitô hữu có thể chọn lựa hay từ chối: nó là thành phần trong những đòi hỏi thiết yếu của tình yêu, bởi thế “mỗi người đều phải để tâm sống thuận thảo với những người xung quanh mình”.  Mỗi ngày, “việc bước vào đời sống của một người khác, ngay cả khi người ấy vốn đã là phần đời của mình, thì vẫn đòi hỏi một thái độ tế nhị không xâm phạm, điều này có sức làm mới lại niềm tin tưởng và sự kính trọng. Tình yêu càng thân mật và sâu xa, càng đòi hỏi tôn trọng tự do và khả năng chờ đợi người ấy mở cửa lòng ra”. Niềm Vui Của Tình Yêu, số 99

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Hội Thánh nghĩa là gì?

– Từ “Hội Thánh”, theo tiếng Hy lạp “ekklesia”, có nghĩa  là “cuộc tập họp của tất cả những người được triệu tập”. Những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và tin vào Thiên Chúa đều được Thiên Chúa triệu tập, để cùng nhau chúng ta là Hội Thánh. Thánh Phao-lô đã nói, Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh, còn chúng ta là thân thể của Người. [748-757]

– Khi ta lãnh nhận các Bí tích và nghe Lời Chúa, Chúa Kitô ở trong ta và ta ở trong Chúa, đó là Hội Thánh. Kinh Thánh không ngừng gợi lên cuộc sống cộng đồng thân mật giữa các người được rửa tội với Chúa Giêsu bằng rất nhiều hình ảnh: khi thì Hội thánh là mẹ, khi thì là gia đình của Chúa, Hội Thánh cũng được so sánh như những khách dự tiệc cuới… Nhưng không được hiểu Hội Thánh như một thể chế thuần tuý, “một Hội Thánh chức năng” để ta có thể lìa bỏ. Ta có thể bực mình vì những lỗi lầm và những vết nhơ, nhưng không được bao giờ lìa bỏ Hội Thánh. Bởi vì Chúa yêu thương Hội thánh không thể nào bỏ được và không bao giờ xa cách Hội thánh mặc dầu có nhiều tội lỗi. Hội Thánh là sự có mặt của Chúa giữa loài người. Đó là lý do ta phải yêu mến Hội Thánh.

Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh. – Cl 1,18

Hội Thánh có nghĩa là “triệu tập”. – Cl 1,18

“Hội Thánh là một bà già đầy những nhăn nheo. Nhưng Hội Thánh là mẹ tôi. Và người ta không bao giờ đánh mẹ.” – Thần học gia Karl Rahner, SJ, khi nghe những chỉ trích không thích hợp về Hội Thánh.

“Khả năng hiểu biết của ta có hạn: vì thế sứ mệnh của Thánh Thần là dẫn dưa Hội Thánh một cách luôn mới mẻ, từ thế hệ này qua thế hệ sau, vào tầm mức cao trọng của mầu nhiệm Chúa Kitô.” – Đức Bênêđictô XVI, 7-5-2005

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 122. Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Câu chuyện về con bướm

Một người tìm thấy một cái kén bướm. Đến ngày nọ, một cái lỗ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi chăm chú     theo dõi con bướm trong vài giờ đồng hồ khi nó vùng vẫy tìm cách chui ra ngoài qua cái lỗ nhỏ đó, rồi dường như nó không có thêm một tiến triển nào nữa. Trông cứ như thể nó đã làm hết mức có thể rồi và không thể xoay xở gì thêm được.Vì vậy, người đàn ông quyết định giúp con bướm. Anh lấy một cái kéo và cắt cái kén.

Khi ấy, con bướm dễ dàng thoát ra. Nhưng nó có  một cái thân căng phồng và đôi cánh nhỏ bé, teo  quắt.

Người đàn ông tiếp tục quan sát con bướm bởi vì anh mong đợi rằng, đến một lúc nào đấy, đôi cánh của con bướm sẽ to lên và dang rộng ra để có thể nâng được phần thân, trong khi cùng lúc ấy phần thân sẽ nhỏ đi.

Chẳng có điều gì xảy ra cả! Trong thực tế, con bướm dùng cả cuộc đời còn lại của nó bò loanh quanh với một cái thân căng phồng và những chiếc cánh nhăn nheo. Nó không bao giờ có thể bay được.

Người đàn ông, tốt bụng nhưng hấp tấp, đã không hiểu rằng chiếc kén chật hẹp và sự chật vật của con bướm để chui qua được cái lỗ nhỏ ấy chính là cái cách mà Tạo Hóa buộc chất lỏng trong thân con bướm chảy vào cánh để sẵn sàng cho nó cất cánh bay ngay khi nó thoát khỏi cái kén và giành được sự tự do.

Đôi khi, những cuộc đấu tranh chính xác là những gì chúng ta cần trong cuộc sống của mình. Nếu Tạo Hóa cho phép chúng ta trải qua cuộc sống mà không có bất kỳ trở ngại nào thì điều đó sẽ làm chúng ta trở nên “tàn tật”. Chúng ta sẽ không mạnh mẽ như đáng lẽ ra chúng ta đã có thể. Chúng ta sẽ không thể bay cao. (Sưu tầm)