BẢN TIN 443

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN B

          “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Mẫu gương tuyệt vời trong việc đáp tiếng “xin vâng,” đó chính là Mẹ Ma-ri-a. Cả cuộc đời Mẹ gói trọn trong hai tiếng “xin vâng.” Mẹ xin vâng theo lời sứ thần truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Trung thành với lời“xin vâng” tiên khởi đó, Mẹ ghi nhớ và “suy đi nghĩ lại” trong lòng mọi việc xảy đến trong cuộc đời Mẹ để khám phá thánh ý Chúa ẩn chứa trong đó. Có thể nói, từ ngày đón nhận lời thiên sứ truyền tin cho đến lúc nhận lời trăn trối của Đức Giê-su từ trên thập tự và trọn cả cuộc đời Mẹ, là một chuỗi dài của tiếng “xin vâng” để cho ý muốn của Chúa được thể hiện. “Xin vâng”,hai tiếng thật nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng lại chứa đựng một sức mạnh phi thường xuất phát từ Đức Ki-tô “vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8) nhờ đó muôn loài được cứu độ; sự vâng phục ấy được phản ảnh trọn vẹn nơi lời “xin vâng” của Đức Ma-ri-a.

          Thế giới hôm nay đang lâm vào cơn khủng hoảng “quyền bính-vâng phục”: con cái cãi lệnh cha mẹ; không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa; bề dưới chống đối, bất tuân mệnh lệnh bề trên.

          Ngược lại vẫn còn nhiều bậc bề trên, những bậc làm cha mẹ cư xử cứng cỏi, độc đoán, muốn bề dưới phục tùng kiểu vâng lời “tối mặt”. Mời bạn noi gương Đức Ma-ri-a: vâng phục ý Chúa tỏ hiện qua lời sứ thần, qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

07.10 CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN. Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lc 1,26-38

08.10 Thứ Hai. Lc 10,25-37

09.10 Thứ Ba. Thánh Đi-ô-ni-si-ô, Giám mục, và các bạn tử đạo; Thánh Gio-an Lê-ô-na-đô, Linh mục. Lc 10,38-42

10.10 Thứ Tư. Lc 11,1-4

11.10 Thứ Năm. Thánh Gio-an XXIII, G.Hoàng. Thánh Phêrô Lê Tùy, L.mục, tử đạo; Lc 11,5-13

12.10 Thứ Sáu.Lc 11,15-26

13.10 Thứ Bảy.Lc 11,27-28

14.10 CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 10,17-30

 

THÔNG BÁO Số 55TB/GXCT/2018

* Thứ Bảy 13/10 :

+ 17g15 Thánh Lễ tại Núi Đá.

+ 19g30 đọc kinh tôn vinh Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima do hội Legio phụ trách, tại Núi Đá.

Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự.

 

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Phụng vụ Các Giờ Kinh (PVCGK) là gì?

– PVCGK là việc cầu nguyện chính thức và công cộng của Hội Thánh. Những bài Kinh Thánh đưa người cầu nguyện giờ kinh vào trung tâm của mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Trên khắp thế giới, cứ mỗi giờ trong ngày, Phụng vụ giờ kinh khẩn cầu Chúa Ba Ngôi ban ơn biến đổi cho người cầu nguyện, và biến đổi toàn thế giới nữa. Phụng vụ giờ kinh không chỉ dành cho các linh mục và tu sĩ. Nhiều Kitô hữu có đức tin mạnh mẽ đã dấn thân kết hiệp với ngàn vạn người cùng cầu khẩn Thiên Chúa từ khắp nơi trên thế giới. [1174 – 1178, 1196]

– Đối với Hội Thánh, 7 giờ kinh như là một kho kinh nguyện cởi trói cho miệng lưỡi ta, cho dù niềm vui, nỗi lo hay nỗi sợ làm câm miệng chúng ta. Khi đọc Phụng vụ giờ kinh ta cảm thấy ngạc nhiên của ta không ngừng đổi mới: một câu, một đoạn như tình cờ phù hợp đúng với tình trạng của chúng ta. Thiên Chúa nghe khi ta gọi Người. Người trả lời chúng ta trong bản văn, đôi khi trả lời một cách cụ thể lạ thường. Nhưng Người cũng để cho có những lúc im lặng và khô khan như là để chờ đợi chúng ta trung thành. → 473, 492

+Bảy lần trong ngày, tôi ca tụng Chúa vì những phán quyết công minh của Người.(Tv 119,164)

(Trước đây Hội Thánh có 7 giờ, nay bỏ giờ thứ nhất còn sáu giờ kinh phụng vụ chính thức là: Kinh sáng – Kinh giờ 3 (9 giờ) – Kinh giờ 6 (12 giờ) – Kinh giờ 9 (15giờ) – Kinh chiều – Kinh tối)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 189. Phụng vụ có cần đến những nơi chốn để cử hành Phụng vụ không?

 

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Những Bài Học Từ Chuỗi Hạt Mân Côi

Với mỗi người và mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, chuỗi hạt Mân Côi mang lại những ơn ích thiêng liêng khác nhau. Sống trong tháng mà Giáo Hội đặc biệt dành để kính Đức Mẹ Mân Côi, tôi cũng xin chia sẻ ra đây một vài điều mà chính mình đã học được qua những năm tháng cầu nguyện với chuỗi hạt đơn sơ nhưng mầu nhiệm ấy.

Bài học của sự bất ngờ. Với biến cố Nhập Thể làm người, Thiên Chúa đã sai Sứ thần của Ngài truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38). Đức Mẹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mẹ ngỡ ngàng khi Sứ Thần chào Mẹ là Đấng đầy ân sủng (Lc 1,28). Mẹ bàng hoàng khi nghe tin mình sẽ thụ thai Con của Đấng Tối Cao (Lc 1,31-32) khi mà Mẹ chỉ mới đính hôn với Thánh Giu-se. Nhiều bất ngờ khác nữa xảy ra trên suốt hành trình Mẹ bước đi theo chân Chúa Giê-su từ làng Na-za-rét đến ngọn đồi Gôn-gô-tha. Tất cả những bất ngờ, hoang mang, ngỡ ngàng, lạ lẫm trải dài trên cuộc đời Mẹ đều được đáp lại bằng hai tiếng “Xin Vâng” (Fiat). Nơi Mẹ, dường như những bất ngờ, những trái ý lại trở nên một cơ hội để Mẹ sống theo Thánh ý Chúa một cách cụ thể và rõ ràng.

Bài học của đức khiêm nhượng. Trong ngắm thứ nhất Mùa Vui khi Sứ thần truyền tin cho Mẹ với lời nguyện xin cho được sống khiêm nhượng. Thoạt đầu, tôi tự hỏi mình rằng tại sao lại xin sống khiêm nhượng trong ngắm này? Tại sao lại không xin cho được sống niềm vui được Chúa chọn làm việc vĩ đại thì có phải hợp lý hơn không? Vâng, khiêm nhượng trong hoàn cảnh Mẹ sắp trở thành Mẹ của Ngôi Hai. Trong xã hội Do Thái bấy giờ, người phụ nữ được tiên báo là sinh ra Đấng Mê-si-a thì quả là một điều đáng tự hào và hãnh diện. Nhưng Mẹ vẫn là Mẹ sau tiếng thưa xin vâng. Mẹ ở lại và giúp đỡ người chị họ của mình là bà Ê-li-za-bét. Mẹ vẫn là Mẹ, vẫn là người vợ của Thánh Giu-se và Mẹ vẫn cần sự che chở của chồng trong cảnh bụng mang dạ chữa. Gương khiêm nhượng của Mẹ gây ấn tượng trên tâm tình sống đạo của tôi và nay nó ảnh hưởng trên chính cuộc sống ơn gọi của tôi. Cuộc sống ngày nay vẫn còn đó những khó khăn và cám dỗ về tiền tài và danh vọng. Khi chỉ một chút thành công cũng đủ làm tôi tự mãn, một chút danh tiếng cũng khiến tôi kiêu căng và có khi một chút quyền lực trong tay đã hóa tôi ra độc tài đáng ghét. Đức khiêm nhượng nơi Mẹ là những giọt mưa rào trên mãnh đất tâm hồn tôi. Những hạt mưa khiêm nhượng của Mẹ qua lời kinh Mân Côi nhẹ nhàng và nhỏ bé thôi nhưng cũng đủ mạnh để thấm vào sâu trong tâm hồn cằn cỗi của tôi.

Khí cụ gìn giữ đức khiết tịnh. Chuỗi Mân Côi còn lại một vũ khí lợi hại để tôi chống lại những đam mê của xác thịt. Chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập những mối nguy hại cho tâm hồn. Từ những chương trình truyền hình thực tế thiếu lành mạnh cho đến những hình ảnh lướt qua trên những trang mạng xã hội. Lối sống hưởng thụ, thỏa mãn giác quan còn len lõi vào những trò chơi tập thể tưởng chừng như vô hại, thậm chí nó còn đi theo ta lên tận giường ngủ qua thế giới của smartphone. Chuỗi Mân Côi trở nên một chiếc đai lưng cầm giữ tôi trung thành trong con đường mình đã chọn. Chuỗi Mân Côi trở nên khiên mộc chở che tôi trong một thế giới nhiều mầm mống của sự dữ. Chuỗi Mân Côi cũng là cái neo để tôi không trôi dạt đi hết bến này sang bến khác cách vô định. Khi cám dỗ, tôi lần chuỗi. Khi ngồi trên xe buýt đến trường, tôi lâm râm nguyện kinh. Khi phải chạy xe ra đường, tôi thầm cầu nguyện cùng Mẹ với chuỗi Mân Côi cho đến nơi cần đến. Con người vốn dĩ yếu đuối và luôn tìm cách thỏa mãn những nhu cầu của mình. Nhưng tôi vẫn thích sống tâm tình của một vị thánh trẻ Dòng Tên là Stanislav Kostka: “Tôi được sống cho những gì cao quý hơn”. Tôi không chấp nhận để mình chiều theo cám dỗ trong khi trong tay tôi còn một cơ hội quý giá cuối cùng là chuỗi Mân Côi.

 

Bài học bất ngờ, khiêm nhượng và khí cụ giữ đức khiết tịnh là ba điều tôi cảm nếm được khi cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi.

Trong tháng Mân Côi này, chắc hẳn nhiều giáo xứ, giáo họ, đoàn nhóm cũng tổ chức những chuỗi Mân Côi sống theo từng nhóm 5 người hay những buổi cầu nguyện với kinh Mân Côi để khuyến khích nhau làm sống động những lời chào tuyệt vời mà Sứ thần Gáp-ri-en đã thưa với Mẹ khi xưa nơi làng quê bé nhỏ.

Ước mong sao những tâm tình của tôi đây như giọt nước nhỏ bé rơi vào biển cả hầu mong được hòa điệu cùng muôn giọt nước khác của mọi người qua lời kinh Mân Côi.

(JB Nguyễn Phi Long, S.J.)