CHÚA NHẬT III PHỤC SINH C

          Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (Ga 21,4)

Suy niệm: “Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã thấy Ngài, nhưng chẳng biết Ngài.” (Lm Thành Tâm, bài hát Trên đường Em-mau). Cũng giống như hai môn đệ Em-mau trên đường về quê không nhận ra Chúa Ki-tô phục sinh đang đồng hành với họ, các tông đồ Chúa cũng đã không nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc sống của mình. Phải chăng đây cũng là điều mà mỗi người chúng ta đều trải nghiệm? Phải chăng chúng ta đang mải mê theo đuổi một mục tiêu trần thế nào đó – bổng lộc, tiền tài, chức quyền, danh vọng, lạc thú – mà không nhận ra Ngài đồng hành trong cuộc sống của mình?

          Hai môn đệ đã được Lời Chúa sưởi ấm trước khi nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô phục sinh khi Ngài bẻ bánh. Để bức màn của những lo toan trần thế không che khuất sự hiện diện của Đấng Vô Hình, không cản trở nguồn sức sống của Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi học hỏi kinh nghiệm này của hai môn đệ làng Em-mau: đó là dành thời gian cho Lời Chúa trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày, một mình với Chúa hay cùng với gia đình, cộng đoàn của mình; đó là dành chỗ cho Chúa Ki-tô Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên, và nếu được, hằng ngày.

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

05.5 CHÚA NHẬT III PHỤC SINH. Ga 21,1-19

06.5 Thứ Hai. Ga 6,22-29

07.5 Thứ Ba. Ga 6,30-35

08.5 Thứ Tư. Ga 6,35-40

09.5 Thứ Năm. Thánh Giuse Hiển, Linh mục, tử đạo. Ga 6,44-51

10.5 Thứ Sáu. Ga 6,52-59

11.5 Thứ Bảy. Thánh Mathêu Lê Văn Gẫm, tử đạo Ga 6,51.60-69

12.5 CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,27-30

Đóng góp cho Quỹ Ơn Gọi Giáo phận. Kính xin quý cha và cộng đoàn quan tâm.

THÔNG BÁO Số 28TB/GXCT/2019

* Chúa Nhật IV Phục Sinh 12/5: Chúa Chiên Lành. Cầu cho ơn Thiên Triệu linh mục và tu sĩ. Ngày Đóng góp cho Quỹ ơn Gọi Giáo phận.

Xin Cộng đoàn rộng tay đóng góp.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

218. Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu?

– Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu đã được truyền phép, nên chúng ta phải lưu giữ với lòng trọng kính hết sức, và thờ lạy Thiên Chúa cũng là Đấng Cứu chuộc chúng ta trong Phép cực trọng Mình và Máu thánh Chúa. [1378 – 1381, 1418]

– Nếu sau lễ còn Mình Thánh Chúa, phải lưu giữ trong các bình thánh và đặt trong Nhà Tạm. Nhà Tạm phải là nơi được tôn kính hơn cả. Mỗi lần đi ngang qua phải bái kính. Thật ra ai muốn đi theo Chúa Kitô thực sự thì phải nhận ra Chúa trong những người nghèo nhất và phụng sự Chúa qua người nghèo. Kitô hữu cũng phải kiếm giờ để có thể tôn thờ Chúa thinh lặng trước Nhà Tạm và bày tỏ tình yêu mến Chúa.

+ Nhà Tạm (lều) cảm hứng từ hòm bia giao ước trong Cựu ước, Hội thánh coi nhà tạm như nơi cao quý nhất để giữ gìn Thánh Thể (Chúa Kitô dưới hình bánh).

+ Bình hương là đồ vật được dùng trong dịp đặt Thánh Thể, là Chúa Kitô, cho các tín hữu tôn thờ.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 219. Người Công giáo thường phải tham dự bao nhiêu Thánh lễ?

   TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

“Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (Ga 21, 15c)

Tại một nhà thờ bên Tây ban nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ, nhưng cánh tay phải thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây ban nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Có một tội nhân đến xưng tội với cha xứ ngay dưới cây thánh giá. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho tội nhân có quá nhiều tội nặng, Linh mục này tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội, vị Linh mục lại đe dọa như sau: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”

Nhiều tháng qua đi, tội nhân lại đến quì dưới chân Linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị Linh mục đã dứt khoát, và trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

Nhưng lạ lùng thay, khi vị Linh mục vừa khước từ tội nhân, thì bỗng ông nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm như sau: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ.

‘Anh có yêu mên Thầy không’ (Ga 21, 16c)

Lời cầu nguyện dưới đây được giáo sư Trần Duy Nhiên viết trong một dịp đi tĩnh tâm, có một dì phước đã đưa cho tác giả mượn một cây Thập Giá, nhưng đôi tay Chúa Giê-su thì lại bị gãy không biết từ bao giờ…

Con yêu dấu, hãy nhìn lên thập giá,

Con thấy không, Thầy đã gãy đôi tay !

Con muốn chăng: làm chi thể của Thầy

Ðể thay thế đôi tay Thầy đã mất ?

Bàn tay này…

Ðã chạm đến vết thương nơi người hủi,

Ðã vuốt lên mi mắt của người mù

Ðã nắm tay người con gái Giai-rô

( Tay cô lạnh vì không còn sự sống… )

Con muốn chăng: áp con tim nóng bỏng

Vào vết thương lở loét của nhân gian,

Vào đêm đen, vào cái chết thế trần ?

Con có muốn làm một người như thế ?

Con có muốn trọn đời làm chi thể

Ðể cho Thầy cứu cha những đau thương,

Ðể cho Thầy tỏa sáng cõi thiên đường,

Và can thiệp để hồi sinh nhân loại… ?

Bàn tay ấy…

Ðã hai lần bẻ bánh hầu nuôi sống đám đông,

Ðã giương cao Bánh Thánh để nuôi dưỡng gian trần,

Ðã trao ban ân tình cho Giu-đa bội phản…

Con có muốn, con ơi, con có muốn

Bẻ bánh mình hầu chia sẻ quanh con,

Bước theo Thầy như của lễ tinh thần,

Và chết đi cho mọi người được sống ?

Con có muốn mở lòng con thật rộng,

Hầu đi tìm người bạn lánh xa con ?

Con nói đi, con có muốn hay không ?

Muốn thay thế đôi tay Thầy đã gãy ?

Con hãy nhớ: đôi tay ngày xưa ấy

Từng rửa chân cho môn đệ thân tình,

Rồi hôm sau đã phải chịu đóng đinh,

Treo thân thể của Thầy lên thập giá…

Con có muốn làm đôi tay của Thầy

Cho anh em chà đạp,

Cho mọi người trấn áp,

Cho thiên hạ đóng đinh,

Ðể giúp Thầy hy sinh giương cao trên thập giá,

Hầu hoàn thành phép lạ là kéo thế gian lên ?

Con thấy chăng: đôi tay Thầy đã mất,

Thầy làm sao cứu vớt được gian trần ?

Thầy cần con, con có biết hay chăng ?

Con từ chối… thì Thầy đành thất bại !

“Thầy chí thánh, chí nhân và chí ái,

Từ đáy lòng hèn nhát của con đây,

Lệ trào mi, con xin đáp lời Thầy:

Vâng, lạy Chúa, xin như lời Ngài dạy…”

“Không ! Lạy Chúa, không đâu…

Ðây không phải là một lời quả quyết hoặc anh hùng,

Ðây chỉ là tiếng thét của yêu thương…

Con lạy Chúa: xin đừng tin con vội !”