CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – C

Chúa Nhật Truyền Giáo

          Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người. (Lc 18,7)

Suy niệm: Qua dụ ngôn bà góa và viên quan tòa bất chính Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự cần thiết phải kiên nhẫn trong việc cầu nguyện.

Làm thế nào để đời sống cầu nguyện của bạn sống động và kiên trì? Bạn có thường học hỏi và suy gẫm Thánh Kinh không? Bạn có kết hiệp chiêm niệm và hành động trong cuộc sống đời thường của mình không? Bạn có chuyển cầu cho nhu cầu của các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, quốc gia, thế giới và tất cả những người không có ai cầu nguyện cho họ không?

Bạn phản ứng thế nào khi Thiên Chúa chậm trễ đáp lại lời cầu nguyện của bạn?

Hãy xin ơn kiên trì trong cầu nguyện. Cầu xin ơn biết phân định về những nhu cầu của những người mà bạn tương tác thường xuyên, để bạn có thể chuyển cầu cho họ.

(Daily Gospel/ Fr. Paulson.V.Veli, CMF, PhD)

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

20.10 CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN. Chúa Nhật Truyền Giáo. Lc 18,1-8

21.10 Thứ Hai. Lc 12,13-21

22.10 Thứ Ba. Thánh Gio-an Phao-lô II, Giáo hoàng. Lc 12,35-38

23.10 Thứ Tư. Thánh Gio-an Ca-pet-tra-nô, Linh mục Thánh Phaolô Tống Viết Bường, Quan thị vệ, tử đạo. Lc 12,39-48

24.10 Thứ Năm. Thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-ret, Giám mục Thánh Giuse Lê Đăng Thị, Cai đội, tử đạo. Lc 12,49-53

25.10 Thứ Sáu. Lc 12,54-59

26.10 Thứ Bảy. Lc 13,1-9

27.10 CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 18,9-1420.10

THÔNG BÁO Số 56TB/GXCT/2019

1. Thứ Tư 23/10 lúc 17g15, Lễ kính Thánh Phaolô Tống Viết Bường. Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.

2. Thứ Sáu 18/10 lúc 19g30, giáo xứ Chầu Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Học Hỏi Về Truyền Giáo. Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự và xin đi đúng giờ.

3. Kể từ Chúa Nhật 27/10/2019, xin Quý Vị Phụ Huynh đón con em sau giờ học Giáo lý trễ hơn 10 phút so với bình thường, nghĩa là giờ đón bắt đầu lúc 10h25 thay vì 10h15 như trước đây. Xin Quý Vị vui lòng đi đường Trần Phú và đưa đón tại sân TGM.

 (Nguồn Ban Phụng Vụ)

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

242. Tại sao Giáo Hội phải chăm sóc cách riêng cho người bệnh?

– Chúa Giêsu cho ta biết: Thiên đàng đau khổ với ta khi ta đau khổ dưới đất. Thiên Chúa còn muốn chúng ta nhận ra Người nơi “người anh em bé mọn nhất” (Mt 25, 40). Đó là lí do tại sao, Chúa Giêsu muốn việc chăm sóc người bệnh, người nghèo phải là nhiệm vụ chính của các môn đệ. Người truyền dạy: “Hãy chữa lành bệnh tật” (Mt 10, 8), và Người hứa ban quyền thiêng cho môn đệ “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, sẽ đặt tay chữa lành bệnh nhân” (Mc 16,17). [1506 – 1510]

– Một trong những đặc tính nổi bật của Kitô giáo là luôn luôn dành trọng tâm chăm sóc bệnh nhân, người già và những người nghèo túng. Mẹ Têrêsa là người đón nhận những người đang hấp hối ở đường phố Calcutta chỉ là một Kitô hữu như mọi Kitô hữu khác, nhưng Mẹ đã nhìn thấy Chúa Kitô trong những người bị mọi người loại bỏ và chạy trốn. Nếu Kitô hữu là Kitô hữu đích thật, thì từ nơi họ sẽ toát ra một ước muốn an ủi, nâng đỡ, được thực hiện trong hành động. Họ có thể giúp người khác khỏi bệnh phần xác, nhờ sức mạnh của Thánh Thần. (đặc sủng chữa bệnh → Đặc Sủng)

“Việc lo lắng cho người nghèo phải là một ưu tiên: cần phải giúp đỡ họ như họ là chính Chúa Kitô vậy.” – Thánh Benoît de Nursie (khoảng 480-547, đấng sáng lập dòng Biển Đức)

“Và chúng tôi còn có lời thề là hứa trở nên người tận tâm phục vụ các người bệnh tật của Chúa chúng ta.” – Luật dòng Thánh Jean de Malte

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước  243. Ai được lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?

CHÚC MỪNG

Chúc Mừng Quý Ông Bà Anh Chị Em Giáo Họ Phaolo Tồng Viết Bường Nhân Ngày Lễ Bổn Mạng (23/10).

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Năm Vị Thánh Mới Của Giáo Hội

          Ngày 13 tháng 10, Giáo hội Công giáo có thêm 5 thánh mới: Hồng y John Henry Newman, các nữ tu Giuseppina Vannini, Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan và Dulce Lopes Pontes và một vị thánh giáo dân Marguerite Bays, người thợ may đơn sơ Dòng Ba Phan Sinh, người được ĐGH Phanxico ca ngợi vì sự thánh thiện trong đời sống hàng ngày.

          Thánh nữ Marguerite Bays (1815-1879), giáo dân người Thụy Sĩ, dòng Ba thánh Phanxicô Assisi, nên thánh trong cuộc sống đơn sơ, thường nhật. Chị chỉ được học 3, 4 năm bậc tiểu học, rồi sau đó học nghề may vá, nhưng đã nổi bật trong đời sống thánh thiện, âm thầm phục vụ trong công tác giảng dạy giáo lý cho các trẻ em, vượt thắng những khó khăn trong đời sống gia đình chị. Chị được ơn lạ mang 5 dấu thánh, phải đeo găng tay suốt năm để che các dấu thánh của Chúa Giêsu xuất hiện trên bàn tay và thân thể của chị, nhưng dân chúng vẫn hay biết. Thánh nữ Marguerite chịu đau khổ đều đặn như vậy suốt 25 năm trời, trong niềm kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cho đến khi qua đời vào ngày 27-6-1879, đúng ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như ước nguyện của chị, hưởng thọ 64 tuổi.

(Vatican news/ G. Trần Đức Anh OP – Roma)

Tháng Truyền Giáo

Nhìn Lại Việc Truyền Giáo

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, trong bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua” đưa ra những con số thống kê như sau:

Năm Dân số Việt Nam Số tín hữu Tỷ lệ %
1960 30.000.000 2.000.000 6,93
2000 77.000.000 5.200.000 6,70
2008 86.100.000 6.100.000 7,18
2014 95.247.775 6.606.495 6,93

Sau 55 năm, tỷ lệ dân số công giáo trở lại con số khởi điểm 6,93%. Tại giáo phận Đà Nẵng, gồm tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ ấy còn “chìm” hơn.

Năm Dân số Số tín hữu Tỷ lệ %
Trước 1975 1.500.000 100.000 6,7
1975   40.000  
2018 3.070.000 70.761 2,3

Nếu nhìn vào con số những nhân sự được cho là gắn liền với việc truyền giáo, đó là các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo lý viên, bên cạnh con số tân tòng mỗi năm, cụ thể năm 2014, thì phải nói là hiệu quả của việc truyền giáo còn rất yếu ớt. Cụ thể như sau:

Số Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Lý Viên 88.546
Tân tòng 41.395

Điều đó có nghĩa là cứ 02 (hai) tín hữu ưu tuyển đó mới đưa được 01 (một)người vào đạo.

Dù rằng những con số thống kê chưa nói hết tất cả thực tại, nhưng chúng cũng thôi thúc chúng ta phải chất vấn chính mình về sứ mạng truyền giáo.

1.         Phải chăng chỉ có những tín hữu được coi là ưu tú đó mới phải truyền giáo, còn toàn thể tín hữu khác thì không?

2.         Phải chăng kết quả truyền giáo chỉ là con số tân tòng mỗi năm? Phải chăng sứ mạng truyền giáo chỉ gói gọn trong việc làm mọi cách để đưa người ngoại đến lãnh nhận bí tích rửa tội?

Mời anh chị em và các bạn cùng suy tư và đưa ra một nhận định của chính mình.

(An Vi)

“Được rửa tội và được sai đi – Người tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng”