CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C

          Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. (Lc 20,38)

Suy niệm:  Sách Macabê kể lại câu chuyện đức tin của bà mẹ và những đứa con mạnh mẽ như thế nào khi sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình. Nếu bạn phải đối diện với chọn lựa như thế, bạn sẽ phản ứng ra sao? Liệu bạn có tin thật sự vào việc phục sinh không? Bạn có sẵn sàng đánh đổi mọi thứ mà bạn có vì đức tin của mình không?

Chúa Giêsu phán: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, điều này có ý nghĩa gì với bạn?

Hãy cầu xin ơn thành tín với Tin Mừng trong thời đại thử thách và cầu cho những người đang bị bách hại vì đức tin của họ.

Bạn có nghe Chúa Giêsu nói gì với bạn về sự sống đời sau của bạn ?

(Daily Gospel/ Fr. Paulson.V.Veli, CMF, PhD)

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

10.11 CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 20,27-38

11.11 Thứ Hai. Thánh Mac-ti-nô, Giám mục. Lễ nhớ. Lc 17,1-6

12.11 Thứ Ba. Thánh Jô-sa-phat, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 17,7-10

13.11 Thứ Tư; Lc 17,11-19

14.11 Thứ Năm. Thánh Têphanô Théodore Cuénot Thể, Giám mục, tử đạo.  Lc 17,20-25

15.11 Thứ Sáu. Thánh An-bec-tô Cả, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh; Lc 17,26-37

16.11 Thứ Bảy. Thánh Ma-ga-ri-ta Tô Cách Lan và Thánh Giê-tô-rút, trinh nữ; Lc 18,1-8

17.11 CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 21,5-19. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.  Lc 9,23-26

HOẠT ĐỘNG GIÁO XỨ

1. Thứ Bảy 16/11, Bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ; Thánh lễ được cử hành trọng thể lúc 17g00 thay vì 17g15. Sau Thánh lễ sẽ có chương trình thánh ca giao lưu giữa Ca Đoàn Hàn Quốc và Ca Đoàn Giáo Xứ Chính Tòa. Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự.

2. Sách Kinh đọc hàng ngày trong Nhà Thờ đã được hiệu chỉnh lại theo thông báo của Ủy Ban Phụng Tự  HĐGMVN. Bắt đầu từ Chúa nhật 17/11 khi đọc kinh, xin cộng đoàn theo dõi trên màn hình để đọc cho đúng.

 ( Nguồn Ban Thường Vụ)

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

 245. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban những ơn nào?

– Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban ơn an ủi, bình an, sức mạnh và kết hợp tình trạng phiền não và đau đớn của bệnh nhân với những đau khổ của Chúa Kitô cách sâu xa hơn, vì Chúa đã có kinh nghiệm với sự sợ hãi và chịu những đau đớn của ta nơi thân xác Người. Với nhiều bệnh nhân, Bí tích Xức Dầu còn ban cho họ sức khoẻ phần xác. Nhưng nếu Chúa muốn gọi họ về quê trời, Người ban cho họ sức mạnh hồn xác để chiến đấu lần cuối cùng. Trong hết mọi trường hợp, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban hiệu quả là ơn tha các tội lỗi đã phạm. [1520 – 1523, 1532]

– Nhiều bệnh nhân sợ bí tích này và từ chối cho đến giờ chót vì họ nghĩ rằng đây là một thứ án tử. Nhưng quả thật là trái ngược lại: vì xức dầu bệnh nhân là một bảo đảm cho sự sống. Mọi Kitô hữu đang bị bệnh tật đeo đuổi cần phải loại bỏ những cảm nghĩ sợ hãi và sai lầm. Hầu hết các bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm nặng có trực giác vào lúc nhất định này là không có gì quan trọng cho bằng trở nên đồng hình đồng dạng ngay tức thì và vô điều kiện với Đấng đã thắng sự chết và là sự sống: Chúa Giêsu, Đấng cứu chúng ta.

+ Dù tôi qua thung lũng tối tăm tôi không sợ gì vì Chúa ở gần tôi; cây gậy của Chúa có đó khiến tôi an lòng. – Tv 23,4

+ Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. – Ga 6,54

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước  246. Ai được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

           ‘những ai trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người’ (Kn 3,9a)

          Bạn hãy nghĩ về tất cả những người mà bạn cầu nguyện cho – một người bạn đang đương đầu với một căn bệnh hiểm nghèo (bệnh nặng), một đứa bé đang tìm hiểu về niềm tin của nó, hoặc có thể là một người đồng nghiệp đang trải qua một cuộc ly hôn chua xót. Những nhu cầu này thì hiển nhiên đối với chúng ta, nếu chỉ vì chúng ở ngay trước mắt chúng ta. Nhưng Giáo Hội dành riêng một tháng và đặc biệt là Ngày Các Linh Hồn, để chúng ta có thể cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho những người mà chúng ta không gặp mỗi ngày và những người mà nhu cầu của họ có thể rơi vào quên lãng (mờ nhạt). Chúa muốn chúng ta đừng quên rằng họ cũng cần chúng ta cầu nguyện cho họ.

          Nhưng tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho họ trước hết? Họ đã không được yên nghỉ trên thiên đàng sao? Câu trả lời ngắn gọn là chúng hoàn toàn không biết. Họ có thể vẫn còn ở trong “phòng chờ đợi” của luyện ngục (chốn luyện hình). Do đó, chúng ta nên tiếp tục cầu nguyện cho họ để chúng ta có thể giúp họ nếu họ vẫn đang được thanh luyện. Chúng ta nên cầu nguyện để một ngày nào đó họ có thể được tham dự với tất cả các thiên thần và các vị thánh cùng ca khen và suy tôn (thờ phượng) Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là một gia đình trong Chúa Kitô, vì thế chúng ta có thể lo lắng cho họ như anh chị em của chúng ta, giống như chúng ta chăm sóc anh chị em của chúng ta ở đây trên trần gian.

          Khi bạn cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời của bạn, thì bạn hãy nhớ rằng: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1). Thiên Chúa đang chăm sóc họ, như Người đang tiếp tục chăm sóc chúng ta. Bất kỳ điều gì xảy ra sau khi chết vẫn là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Tất cả những gì chúng ta biết, tất cả những gì chúng ta có thể cậy dựa, là Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa của tình yêu và lòng xót thương. Ước vọng lớn nhất của Chúa về chúng ta là chúng ta sống được với Người luôn mãi, và Người đã hứa giúp chúng ta đến đó – ngay sau khi chúng ta đã vượt qua cõi đời này (đã chết).

          Do vậy, hôm nay bạn hãy dành chút thời gian để cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời của bạn cũng như cho tất cả những người vẫn đang chờ đợi để được tham dự cùng các vị thánh trên thiên đàng. Có lẽ bạn có thể cầu nguyện cho họ trong Thánh lễ hoặc trong khi lần Chuỗi Mân Côi hoặc lần Chuỗi Thương Xót. Khi bạn làm việc đó, hãy tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Người không bao giờ quên bất cứ ai và Người cũng không muốn bạn quên (những người khác)!

          “Lạy Chúa, nguyện xin cho tất cả những ai đặt hy vọng vào Chúa sẽ được gặp Chúa diện đối diện”.

(Theo The Word Among Us /

Chuyển ngữ Maria Ngọc Hương)

Không Thích Đáng
Trong buổi thảo luận công khai hôm đó, mọi câu hỏi đều quay chung quanh đời sống sau khi chết.

Minh Sư chỉ cười và không trả lời bất cứ câu  hỏi nào.

Các đệ tử hỏi cho biết tại sao Minh Sư đã tránh né, về sau ngài đáp cho họ: “Các con có nhận thấy chăng chính những người không biết phải sống đời sống này như thế nào mới khao-khát một đời sống khác, một đời sống vĩnh cửu?”

Một đệ tử khẩn khoản hỏi: “Nhưng có hay  không có sự sống sau khi chết?”

Minh-Sư trả lời cách bí ẩn: “Có sự sống trước khi chết không? Đó mới là vấn đề!

(One minute wisdom/ dịch: Gs T. Hưng)