CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh.
(Lc 24, 31)

Suy gẫm: Trên đường Em-mau, Chúa Giêsu gặp hai người bạn đang trải qua cảm giác sợ hãi và hoảng loạn, thiếu lòng tin và mất tinh thần. Các ông đang tháo chạy. Sức mạnh của cái chết, của thập giá, đã làm lịm tắt mọi hy vọng trong họ.Chúa đã giúp họ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố đau thương về bản án và cái chết của Chúa. Cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi hy vọng đã trở nên nguồn mạch sự sống và sự phục sinh của họ.

Trên thực tế, những người đi trên đường Emmau là các cộng đoàn và là tất cả chúng ta.  Ngày nay, vấn đề nào đã đặt niềm tin của chúng ta vào trong tình trạng khủng hoảng?

Bạn có chăm chú lắng nghe Lời Chúa và để lời nói của Người thay đổi và biến đổi bạn không?(Don Schwager/Meditation))

Lạy Chúa, xin nuôi dưỡng con bằng lời ban sự sống và bằng bánh sự sống.

 (dongcatminh/lectio)

LỊCH PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

26.4 CHÚA NHẬT III PHỤC SINH. Lc 24,13-35

27.4 Thứ Hai. Ga 6,22-29

28.4 Thứ Ba. Thánh Phê-rô Cha-nen, Linh mục, tử đạo; Thánh Lu-y Gri-ni-ông Mông-pho, Linh mục Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Linh mục, tử đạo; Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, Thầy giảng, tử đạo; Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, Thầy giảng, tử đạo. Ga 6,30-35

29.4 Thứ Tư. Thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ. Thánh Giuse Tuân, Linh mục, tử đạo. Ga 6,35-40

30.4 Thứ Năm. Thánh Pi-ô V, Giáo hoàng. Ga 6,44-51

01.5 Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Giuse thợ. Thánh Augustinô Shoeffler Đông, Linh mục, tử đạo; Thánh Gioan Louis Bonnard Hương, Linh mục, tử đạo. Ga 6,52-59

Kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa (2013).

02.5 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh A-tha-na-si-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ.Ga 6,51.60-69

03.5 CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,1-10

Đóng góp cho Quỹ Ơn Gọi Giáo phận.

Kính xin quý cha và cộng đoàn quan tâm.

PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

Thánh Lễ Trực Tuyến

–    Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy:     17g15

–    Chúa nhật, 19/4    Lễ Sáng:    07g00

                                   Lễ Chiều:   17g00

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIÁO HUẤN SỐ 21

NÉT TRẺ CỦA GIÁO HỘI

“Tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn thời gian; nó là một dạng tâm thức. Đó là lý do tại sao một cơ chế cổ truyền như Giáo hội có thể kinh nghiệm sự đổi mới và trở về tình trạng tươi trẻ tại những thời khắc khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những giai đoạn kịch tính nhất trong lịch sử của mình, Giáo hội cảm thấy được gọi hết lòng trở về với tình yêu thuở ban đầu. Nhắc đến sự thật này, Công đồng Vatican II ghi nhận rằng “được nên phong phú nhờ một lịch sử lâu dài và sống động, trong khi tiến tới hướng về sự hoàn thành của con người trong thời gian và hướng về những định mệnh cuối cùng của lịch sử và của đời sống, Giáo hội thực sự là tuổi xuân của thế giới”. Nơi Giáo hội, người ta luôn luôn có thể gặp gỡ Đức Kitô, Đấng là “người đồng hành và là bạn của giới trẻ”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 34).

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Quý Quý Ông Bà Anh Chị Em Nhân Lễ Bổn Mạng – Thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh (29.4);Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, Tông đồ (03/5)

TẢN MẠN – CHIA SẺ­– GÓP NHẶT

Khi Không Có Cử Hành Bí Tích Thánh Thể

‘…Chúng ta không thể tụ họp cùng nhau để cử hành phụng vụ. Chúng ta có thể làm gì khi không có cử hành phụng vụ?’

Hiến chế về Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum concilium, dạy rằng “Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Người, đặc biệt trong những cử hành phụng vụ” (SC 36). Ngài hiện diện trong bánh và rượu trong Thánh lễ, nhưng Ngài cũng hiện diện nơi con người của vị Linh mục và trong Lời Chúa được công bố. Và cuối cùng Ngài cũng hiện diện trong những lời cầu nguyện và cả những bài hát của cộng đoàn.

Hơn thế, ‘ngoài Thánh Lễ thì việc cầu nguyện chung chính là “việc cử hành Phụng vụ Giờ kinh” mà Hội Thánh “không ngừng ca tụng Thiên Chúa và chuyển cầu ơn cứu độ cho toàn thế giới” (SC 99); và ‘lời cầu nguyện chung của Hội Thánh” chính là “một nguồn đạo đức và nuôi dưỡng việc cầu nguyện cá nhân” (SC 90)’.

Hiến chế về Phụng vụ Thánh cũng dạy: “Người giáo dân được khuyến khích để đọc các Giờ kinh Phụng vụ với các Linh mục, hay với cộng đoàn hoặc thậm chí trong tính cách cá nhân” (SC100).

Có thể tóm tắt như sau:

Cử hành Thánh Lễ không phải là việc duy nhất của phụng vụ.

Việc ngưng cử hành Bí tích Thánh Thể không có nghĩa là ngưng việc phụng vụ của Hội Thánh.

Giờ kinh Phụng vụ là lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội. Và đó cũng là việc phụng vụ chính yếu của Hội Thánh.

Các hội nghị Giám mục quốc gia và cá nhân một vài Giám mục ở nhiều nơi đã chước chuẩn cho người Công giáo khỏi bổn phận tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và những ngày lễ bắt buộc khác, trong khi cung cấp các nguồn cầu nguyện để giúp họ giữ những lễ nghi phụng vụ cách thánh thiện. Ngoài tính hợp pháp trong lối tiếp cận này, nó còn thiếu một sự tưởng tượng. Trong thời điểm này hoặc đã từng có bao nhiêu các Giám mục khuyến khích giáo dân cầu nguyện bằng Giờ kinh Phụng vụ? Có bao nhiêu Linh mục đã giới thiệu về các Giờ kinh Phụng vụ cho giáo dân trong Giáo xứ của họ?

(Trích:Nt. Têrêsa Hiền Phụng/ Robert Micken ‘A priest-centered Church, confused and unprepared’)

Tái Khám Phá Sự Hiệp Thông Thiêng Liêng ‘thời Covid’

…Rước lễ thiêng liêng vốn là một thực hành tôn giáo nhằm cho chúng ta cảm nếm sự hiệp thông liên lỉ với Chúa Giêsu, không chỉ khi chúng ta được đón rước trong Thánh lễ, mà còn cả những nơi chốn hay thời điểm khác.

«Rước lễ thiêng liêng», khi không thể lãnh nhận bí tích thực sự, cũng được gọi cách đúng đắn là ‘hiệp thông của lòng ước ao’. Ước ao cuộc sống của chính mình được kết hiệp với Chúa Giêsu, đặc biệt với hy tế trên thập giá của Ngài cho chúng ta. Trong thời gian kéo dài việc ăn chay Thánh Thể bắt buộc, nhiều người vốn đã quen với việc rước lễ thường xuyên ngày càng cảm thấy thiếu ‘lương thực hằng ngày’ từ Thánh Thể.

Ăn chay là một sự thiếu thốn, nhưng có thể là thời gian cho sự tăng trưởng. Như tình yêu của vợ chồng trong khoảng thời gian dài xa cách bởi những lý do bất khả kháng có thể trưởng thành và nên sâu đậm trong sự chung thủy và trong sạch; thì việc ăn chay Thánh Thể có thể trở thành thời gian để lớn lên trong đức tin, trong ước ao về hồng ân của sự hiệp thông bí tích, của sự liên kết với những ai do bởi những lý do khác nhau không thể lãnh nhận, của sự giải thoát khỏi sự bất cẩn của thói quen… Không phải là điều hiển nhiên và tầm thường khi người ta tái hiểu rằng Thánh Thể chính là món quà nhưng không và lạ lùng của Chúa Giêsu… cần hết lòng khao khát… một cách liên lỉ… Phải chăng đây cũng có thể là một hậu quả của thời điểm đảo lộn hiện nay?

(Trích: Lm. Paul  N.T.Tuấn dịch/ Federico Lombardi, S.J.‘Sacred Communion’)

Ô CHỮ DÀNH CHO CÁC EM

Những gợi ý
01. Hai môn đệ đã nhận ra Đức Giêsu khi Người làm gì? (Lc 24,35)

02. Người đồng hành với các môn đệ trên đường người đi Emmau là ai? (Lc 24, 5)

03. Chuyện ông Giêsu Nadarét bị đóng đinh vào thập giá tính đến nay là ngày thứ mấy? (Lc 24,21)

04. Hai môn đệ này đi đâu? (Lc 24,13)

05. Hai môn đệ xem Đức Giêsu là ai đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân? (Lc 24,19)

06. Dọc đường Đức Giêsu đã nói chuyện và giải thích điều gì cho các môn đệ ? (Lc 24,32)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì ?

(Nguyễn Thái Hùng/VHTK)

Chủ đề của ô chữ Tuần trước: SỐNG LẠI