PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

THẤY TRƯỚC CHIẾN THẮNG

Đang lúc Đức Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (Lc 9,29-31)

Suy gẫm: Đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu (1789), trước khi tiến quân đại phá quân Thanh, vua Quang Trung mở tiệc khao quân ăn Tết trước, hẹn mồng 7 Tết sẽ ăn mừng chiến thắng tại kinh thành Thăng Long. Chiến thuật tiến quân thần tốc của vua Quang Trung khiến cho quân Mãn Thanh hơn 20 vạn, đông hơn gấp 2,3 lần, dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị, thảm bại, bỏ chạy tan tác. Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín để chạy thoát. Ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung khải hoàn vào Thăng Long trước lịch hẹn tới 2 ngày.

Vua Quang Trung ăn Tết trước không chỉ vì thấy trước và nắm chắc phần thắng trong tay mà còn muốn cho quân lính của ông cũng có cùng một niềm xác tín tất thắng như vậy. Chúa Giêsu sau khi tiết lộ mình sẽ chịu khổ hình, chịu chết, Ngài cũng muốn cho các môn đệ nhìn thấy trước vinh quang của Ngài và cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết qua cái chết và phục sinh của Ngài. Chẳng những thế, Chúa Cha còn quả quyết rằng Đức Giêsu là “Con yêu dấu, Người được Chúa Cha tuyển chọn”. Như thế đã đủ cho bạn tin và “vâng nghe lời Đức Giêsu” chưa?               

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 16

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Đừng để mình bị bật rễ

“Đây là một vấn đề quan trọng, và tôi muốn dành một chương ngắn để thảo luận về nó. Nếu chúng ta trân trọng vấn đề này, chúng ta có thể phân biệt niềm vui của tuổi trẻ với một sự sùng bái tuổi trẻ đầy sai lầm vốn có thể được lợi dụng để lôi kéo và dẫn dụ người trẻ. Thử nghĩ, nếu có kẻ nào đó bảo giới trẻ phớt lờ lịch sử của họ, tẩy chay những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, xem thường quá khứ và hướng tới một tương lai do y vẽ ra cho, thì như vậy há không dễ trở thành chuyện kẻ ấy lôi kéo giới trẻ để họ chỉ làm điều mà y bảo họ làm đó sao? Kẻ ấy muốn các bạn trẻ nông cạn, trốc rễ và nghi nan, để họ chỉ tin vào những lời hứa của y và hành động theo các kế hoạch của y. Đó là cách mà các ý thức hệ khác nhau vận hành: chúng tàn phá (hay làm phân rã) mọi sự khác biệt để chúng có thể cai trị mà không bị phản kháng. Tuy nhiên để được như vậy, chúng cần những người trẻ coi thường lịch sử, những người vứt bỏ các kho tàng nhân bản và thiêng liêng thừa hưởng từ các thế hệ đi trước, những người không ý thức gì về mọi sự xảy ra trước mình”.

(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 180 & 181)


THÔNG BÁO

1. Thứ Năm 17/3 sau thánh lễ 17g15 có Giờ Chầu Thánh Thể do ban Phụ Huynh Giáo Lý phụ trách.

2. Chương trình Tĩnh Tâm Mùa Chay 2022 “Một Buổi Tối Với Chúa Giêsu” do Cha GB Phương Đình Toại MI thực hiện tại Nhà Thờ Chính Tòa vào 02 đêm thay vì 03 đêm như thông báo tuần trước, cụ thể sau:

• Tối thứ Tư 16/3/2022: chung cho mọi người.

• Tối thứ Năm 17/3/2022: dành cho người trẻ và sinh viên.

Mời cộng đoàn dành một đêm tham dự để hâm nóng lại mối tình với Thầy Giêsu.

3. Thứ Sáu 18/3, lúc 19g30, gẫm Đàng Thánh Giá do hai giáo họ Micae Hy và Augustinô Huy đồng phụ trách.

4. Thứ Bảy 19/3 Lễ Trọng, Kính Thánh Giuse, Bổn mạng của Đức Cha Giuse Giám Mục giáo phận, Đức Cha Giuse nguyên giám mục Giáo phận, 30 Linh mục và 588 giáo dân. Thánh lễ trọng thể sẽ cử hành lúc 05g30 tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng  do Đức Cha Giuse chủ sự, trong thánh lễ có truyền chức Phó Tế cho 02 thầy Phêrô Nguyễn Long và Gioan Boscô Vũ Sỹ Sơn , xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.


HẠNH CÁC THÁNH

THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A

Ngày 19/3

Tại sao Thánh Giuse là gương mẫu cho việc cầu nguyện chiêm niệm?

Hình ảnh Thánh Giuse âu yếm ngắm nhìn Chúa Giêsu trong vòng tay có thể cho chúng ta một kiểu mẫu cầu nguyện.

Mặc dù ít người biết rõ ràng về cuộc đời của Thánh Giuse, nhưng chúng ta có thể hình dung ra nhiều điều từ thực tế rằng Ngài là cha nuôi của Chúa Giêsu.

Chẳng hạn, với tư cách là một người cha yêu thương, Thánh Giuse đã ôm trẻ sơ sinh Giêsu trong tay mình. Hình ảnh đặc biệt này là một kiểu mẫu hoàn hảo cho chúng ta về việc cầu nguyện chiêm niệm.

Tác giả của cuốn sách “Cuộc đời và Vinh quang của Thánh Giuse”, thế kỷ 19, đã  suy ngẫm về hình ảnh này.

Thánh sử Gioan đã tận hưởng một giờ ngắn ngủi sung sướng khi ngả mình trong lòng của Đấng Cứu Độ nhưng đã bao nhiêu lần chính Chúa Cứu Thế không ngả mình vào lòng Thánh Giuse và ngủ một cách ngọt ngào trong vòng tay Ngài hay sao? Theo một nghĩa nào đó, mọi loại ánh sáng thiêng liêng và nhân bản trong Trái Tim của Đấng Cứu Độ hẳn đã được truyền vào linh hồn của Thánh Giuse khi Ngài âu yếm ôm Chúa Cứu Độ… chúng ta phải đặt Thánh Giuse vô song đứng đầu tất cả những người chiêm niệm vĩ đại nhất vì Ngài đã sống trong trạng thái liên tục chiêm niệm trong hình thức cao quý nhất. Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, “Cầu nguyện chiêm niệm là cách diễn tả đơn giản mầu nhiệm cầu nguyện. Đó là một cái nhìn của đức tin chăm chú vào Chúa Giêsu, một sự chăm chú vào Lời Chúa, một tình yêu thầm lặng. Cầu nguyện chiêm niệm đạt được sự kết hợp thực sự với lời cầu nguyện của Chúa Kitô đến mức khiến chúng ta thông phần vào mầu nhiệm của Người”. (GLCG 2724). Việc chiêm niệm có thể được tóm tắt tốt nhất bằng cụm từ, “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”, một mô tả về lời cầu nguyện mà “một nông dân xứ Ars… thường nói khi cầu nguyện trước Nhà tạm” (GLCG 2715).

Chẳng phải cụm từ đó tóm tắt hoàn hảo cuộc đời của Thánh Giuse, người thường ngắm nhìn Chúa Giêsu trong khi Chúa Giêsu nhìn lại Ngài sao?

Nếu chúng ta muốn bước lên những đỉnh cao của đời sống chiêm niệm, hãy nhìn lên Thánh Giuse như một tấm gương cao cả!

Tác giả: Philip Kosloski

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung


CHIA SẺ

Bước vào mùa chay với câu hỏi ý nghĩa cuộc sống (tiếp theo và hết)

Lại một lần nữa, ta được đưa vào khung trời của một cõi vô thường. Ta tự hỏi về lý do mình được cho hiện hữu. Nếu mọi sự sẽ qua đi, vậy tôi ở đây để làm gì? Đâu là điều tôi nên tìm kiếm trong hành trình tại thế của mình? Tôi phải làm gì để ngay cả khi cái chết tìm đến, tôi vẫn bình thản và chào đón nó với tất cả hân hoan? Tôi phải sống ra sao để thay vì sống trong nỗi sợ cái chết đến bất thình lình, ta thật sự sống trọn vẹn cuộc sống của mình từng giây từng phút, hưởng nếm sự hoan lạc ngay tại đời này chứ chẳng đợi chi một hạnh phúc xa xăm nào đó ở tương lai vô định.

Mùa chay đến. Sắc tím trên bàn thờ gợi nhắc ta về một nỗi man mác thê lương, màu tối của cuộc đời. Nó đưa ta về với lòng mình để ta phải đối diện với cái “không” của bản thân. Nó đánh bật hết tất cả những ngạo mạn và cái ảo tưởng mà bấy lâu nay mình vẫn theo đuổi. Nó thúc đẩy ta tìm đến sự giàu có đích thực mà mình cần phải phấn đấu trong cuộc đời này: giàu nhân đức, giàu tình nghĩa, giàu thương yêu. Những cái giàu này đáng giá hơn rất nhiều so với giàu bạc tiền vì nó bồi đắp sức sống cho con người, nó làm cho con người trở nên bất diệt, được tự do, được là chính mình. Nó ban cho con người sức mạnh để đối diện với Thần Chết cách khẳng khái vì Thần Chết chỉ có thể là nỗi khiếp sợ cho những ai sợ nó, còn người giàu nhân đức thì chẳng mang trong mình nỗi sợ gì cả vì người đó mang trong mình một kho tàng bất biến với thời gian.

Con người được làm ra bụi đất nhưng lại nhận lãnh lời mời gọi hướng đến sự thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy hệ ở việc con người nhận ra được gốc gác và giá trị thật của mình, là cái mang đến cho con người sự thoải mái và bình an của con tim. Thật vậy, có quyền lực và giàu có đến cỡ nào thì cũng chỉ là con số 0 to tướng trước mặt Thiên Chúa. Thật tội nghiệp cho kẻ nào nghĩ rằng với của cải mình đang sở hữu, mình có thể làm chúa tể muôn loài. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu nói này của Chúa Giêsu như đang chất vấn mỗi người. Con người ơi, hãy thức tỉnh đi nào! Hãy lên đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của bản thân!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: dongten.net


CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THA THỨ

Giáo viên hóa học ở Libya

Anita Smith và chồng Ronnie Smith đã quyết định chuyển đến Libya bởi vì như Ronnie nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của người dân Libya, nhưng chúng tôi cũng thấy niềm hy vọng trong ánh mắt của họ, và chúng tôi muốn hợp tác với họ để xây dựng một tương lai tốt hơn”, Anita nói trong một bức thư được công bố trên VergeNetwork.org. Ronnie là một giáo viên hóa học tại một trường học Benghazi. Ngày 05 tháng 12 năm 2013, điều khủng khiếp nhất đã xảy ra, khi Ronnie đang chạy bộ vào buổi sáng thì ông bị một kẻ lạ mặt bắn chết. Sau đó, kẻ lạ mặt bị bắt, trong bức thư của Anita gửi cho kẻ tấn công chồng mình, cô viết: “Tôi rất yêu chồng tôi, làm thế nào tôi có thể tha thứ cho bạn nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “hãy yêu thương kẻ thù chứ không phải giết hoặc tìm cách trả thù họ”.

Những phút cuối tha thứ ngay tại pháp trường

Tại Iran và một số nước Hồi giáo, “những phút cuối cùng” là giờ phút dành cho gia đình nạn nhân vụ giết người ở bên cạnh kẻ sát nhân trước khi kẻ đó nhận án tử. Gia đình nạn nhân cũng có sự lựa chọn là tha thứ cho kẻ đã giết người.

Gia đình Samereh Alinejad đã mất đứa con trai 17 tuổi yêu quí khi Abdollah Alinejad đã giết con họ bằng một con dao trong một trận chiến trên đường phố.

Trong tháng 5 năm 2014, theo Associated Press khi kẻ giết con trai của bà đã đứng trên một chiếc ghế trên giá treo cổ, hai tay bị cùm, thòng lọng quây quanh cổ. Hàng trăm người đứng bên ngoài cổng nhà tù ở một thị trấn miền bắc Iran để xem nếu người mẹ, Samereh Alinejad, sẽ thực hiện quyền của mình là đá cái ghế ra khỏi chân để thòng lọng siết cổ tên sát nhân.

Nhưng sau bảy năm chỉ mơ một điều là trả thù thì trong giây phút cuối cùng khi người mẹ nắm trong tay cuộc sống của kẻ sát nhân thì Alinejad đã tha Bilal Gheisari. Việc làm đó đã biến cô thành một người hùng ở quê hương cô, Royan, trên bờ biển Caspian, trên các đường phố treo đầy băng rôn biểu dương sự tha thứ của gia đình cô. Hai tuần sau khi cảnh kịch tính tại giá treo cổ, nhiều người dân đi qua nhà để ca ngợi cô và chồng.


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.         (Mt 10:38-39)