Cây Thông

Biểu tượng rất phổ biến của mùa Giáng Sinh là cây thông, loại cây sống rất lâu thường đạt độ tuổi trung bình từ 100 đến 1.000 năm, và có những trường hợp sống lâu hơn. Loài cây này có vẻ đẹp xanh tốt quanh năm, tô điểm thêm sức sống cho phong cảnh mỗi mùa đông trắng xóa. Nhiều loài thông có thể chịu được sự lạnh giá, mưa tuyết, cũng như cả những vùng đất khô cằn và hạn hán.

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, ở nước Đức có một tiều phu nọ rất nghèo, đi hái củi mỗi ngày.

Đêm cuối năm, mùa đông lạnh tuyết trắng trời. Trên đường đi làm về nhà, ông thấy có một đứa trẻ đói lả nằm co quắp dưới một gốc thông. Ông mang về nhà, sưởi ấm, cho ăn uống. Sáng hôm sau tỉnh dậy, không thấy đứa trẻ đâu, ông mở cửa ra tìm thì thấy một cây thông thật đẹp đặt trước cửa nhà, hôm đó là gần ngày giáng sinh. Có thể chú bé đã tỉnh dậy, đi tìm một cây thông đẹp tặng ông làm quà, hoặc Chúa cải trang đứa bé để thử lòng nhân đức, tử tế trong đối xử với nhau của con người.

Từ đó, cây thông Noel còn gọi là cây nhân đức, là biểu tượng của mùa Giáng Sinh, của hy vọng và chờ đợi.

Thánh Nicolas – Ông già Noel

Ông già Noel là nhân vật không thể thiếu trong mỗi dịp Giáng Sinh. Xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas sinh ra khoảng thế kỉ thứ 3 ở một ngôi làng tại Patara, vào thời điểm đó là một phần của Hy Lạp còn ngày nay là 1 tỉnh vùng ven biển Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ ông rất giàu có nhưng đã chết vì dịch bệnh khi ông còn nhỏ, người đã nuôi dạy ông trở thành một người Thiên Chúa giáo sùng đạo. Đi theo lời dạy của Chúa Giê su: “Bán những gì mình có mà cho người nghèo”. Từ đó Nicholas sử dụng toàn bộ tài sản thừa kế được để giúp đỡ người nghèo, người bệnh và người đau khổ.

Chuyện kể rằng : Một hôm đi ngang qua một gia đình lối xóm, Nicolas nghe thấy tiếng đàn bà con gái khóc. Cậu ngạc nhiên vì không hề nghe nói có ai đau ốm trong gia đình này? Tới gần, Nicolas nghe thấy cô con gái lớn, trong gia đình chỉ có hai con gái, vừa khóc vừa than thở rằng: vị hôn phu của cô không chịu làm đám cưới vì gia đình cô nghèo không có của hồi môn. Nicolas lẳng lặng về nhà lấy một túi tiền vàng đem sang. Cậu ném “choang” một tiếng vào cánh cửa rồi nấp sau bụi cây. Lúc sau người cha ra mở cửa và thấy một túi lớn, mở ra toàn là vàng. Ông ngạc nhiên và vội lên tiếng để tìm chủ nhân nhưng không thấy ai trả lời, liền đem túi tiền vào nhà mừng rỡ và nói với con gái:

– Thôi đừng khóc nữa, Chúa ban cho rồi đây!

Thế rồi một tuần lễ sau, đám cưới cô chị đã được tổ chức một cách vui vẻ. Một thời gian sau, Nicolas cũng kín đáo giúp tiền gia đình này để  làm  đám cưới cho cô em. Nicolas còn giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khó gặp hoạn nạn hay bệnh tật quanh vùng. Sau này Ngài quyết định đi tu và trở thành linh mục. Ngay khi đã được tấn phong lên hàng Giám mục, và dù đã lớn tuổi, Ngài vẫn giữ thói quen thương yêu, giúp đỡ các trẻ em nghèo, hoặc gặp tai nạn.

Những câu chuyện  về vị thánh giám mục này còn nhiều, nhưng điều chủ yếu muốn nói đến là Ngài rất gần gũi với lễ Giáng sinh, hay giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là bạn của các thiếu nhi. Dù khi còn ở gia đình, khi đã đi tu, khi làm linh mục hay khi đã thành giám mục, khi còn trẻ hay khi đã râu dài tóc bạc, mỗi mùa Giáng Sinh về Ngài Nicolas lại mang trên lưng một bao lớn bánh mì đầy ắp, đem tới từng nhà chia cho trẻ em nghèo để chúng mừng lễ Giáng sinh. Trẻ em Pháp reo lên: Le Père Noel est là!” (Cha Noel kia rồi!).

Andre Phong (Sưu tầm và tổng hợp)