Tương lai nào cho sứ vụ ở châu Phi sau đại dịch? Chúng ta sẽ phải quay trở lại các hoạt động và các kế hoạch truyền giáo đã được thực hiện trước đại dịch; hoặc bắt đầu lại một hoạt động truyền giáo được canh tân theo mô hình dựa trên hậu quả của cuộc khủng hoảng sức khỏe này?

Đây là câu hỏi nền tảng được cha Donald Zagore, thần học gia của Hội Truyền giáo châu Phi đã đặt ra trong một cuộc trò chuyện với Hãng tin Fides, khi việc cách ly đang được lên kế hoạch ở nhiều nước châu Phi.

Cha Zagore cho biết: “Cuộc khủng hoảng sức khỏe đã cho thấy rõ sự yếu ớt và hạn chế cách tiếp cận truyền giáo và mục vụ của chúng ta. Cần phải suy nghĩ lại các hoạt động và mô hình truyền giáo dựa trên kinh nghiệm đau đớn của cuộc khủng hoảng sức khỏe và hậu quả của nó, để tái tạo và làm cho nó trở nên phong phú hơn”.

Cha tiếp tục: “Cho đến nay, chúng ta đã phát triển một cách tiếp cận truyền giáo quá tập trung vào các bí tích, gây bất lợi cho đường hướng mục vụ truyền giáo được xây dựng cụ thể trên Lời Chúa. Các Kitô hữu cảm thấy lạc lõng khi hệ thống mục vụ bí tích bị dừng do đại dịch. Vì thế, cần phải đào tạo các Kitô hữu khởi đi từ đời sống bí tích, nhưng trên hết thấm nhuần Lời Chúa”.

Cha nhấn mạnh: “Các hoạt động truyền giáo và mục vụ hàng ngày của chúng ta đã tập trung vào việc xây dựng và củng cố nguyên tắc của Giáo hội như một gia đình Kitô hữu lớn. Trước đây, các giáo xứ luôn đông người. Bây giờ, với cuộc khủng hoảng sức khỏe, rất ít người cố gắng duy trì một đức tin năng động bên ngoài các cuộc tụ họp lớn mà họ đã quen thuộc. Để tiếp tục hiện thực Giáo hội như một gia đình lớn của các Kitô hữu, chúng ta phải nỗ lực phát triển nguyên tắc các gia đình như một Giáo hội tại gia, giúp các tín hữu không chỉ giới hạn việc cầu nguyện nơi công cộng, trong Thánh lễ, mà còn có thể cầu nguyện trong gia đình, với chỉ ít người”.

Nhà truyền giáo nói thêm: “Ngoài ra, ở châu Phi yếu tố kinh tế làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nhiều giáo xứ phụ thuộc vào viện trợ. Bởi vậy, cần phải làm việc để suy nghĩ lại một cách nghiêm túc, để tạo ra các giáo xứ có khả năng tự hỗ trợ. Chăm sóc các giáo xứ chắc chắn là một nghĩa vụ của người tín hữu nhưng nó không được trở thành gánh nặng cho họ, đặc biệt là ở một lục địa như châu Phi, nơi tính bấp bênh trong nhiều lĩnh vực, y tế, chính trị, quân sự, làm cho dân chúng thêm nghèo khổ” (Fides 9/5/2020)

Nguồn: Ngọc Yến – Vatican News