Cố Lợi là hình tượng một già làng. Không phải một mà đến ba làng!

Cha Cố Simon Đinh Hưng Lợi

Làng thứ nhất là linh mục đoàn Đà Nẵng. Tên của Cố đứng đầu danh sách từ nhiều năm nay. Gầy còm, nhỏ thó trong dáng dấp, nhưng Cố là ‘cây cao nhất và bóng cả nhất’ trong tuổi đời lẫn tuổi linh mục – Cố về với Chúa ở tuổi 96 với 66 năm linh mục. Chỉ trừ ít năm gần đây, sau tuổi 90, Cố xuống sức hẳn và phải nằm một chỗ, còn trước đó, hình ảnh của Cố trong mắt các cha đàn em, đàn con, đàn cháu … là một ông cụ mảnh khảnh nhưng rất dẻo dai, bước đi những bước ngắn mà nhanh thoăn thoắt như vũ công ba lê, giọng nói của Cố sang sảng đầy nội lực. Cố có cái uy của một người tự trọng, tự tin – như Cố thường tự hào kể về thời trẻ oanh liệt hào hùng của mình: là cha sở của một giáo xứ lớn, Cố cũng vừa là tuyên uý nhà binh, vừa là cánh chim đầu đàn rất năng động của sinh hoạt Hướng Đạo. Ở giáo phận này, cố được quí mến cách riêng bởi các đời giám mục và các thế hệ linh mục ở gương sáng kính trên yêu dưới của Cố. Dù là bậc trưởng thượng, Cố không ỷ lại tuổi tác của mình, mà luôn khiêm tốn, kính trọng và vâng phục bề trên. Đối với các cha, Cố luôn ân cần trong tình anh em, siêng đi lại gặp gỡ trong các dịp họp mặt, dịp lễ; đặc biệt Cố nhớ rất giỏi tên và những nét riêng ngay cả của các cha trẻ sau này, không phải chỉ nhờ trí nhớ sắc sảo của Cố, mà còn bởi Cố rất quan tâm đến các đồng sự của mình trên cánh đồng mục vụ…

Cố thực sự là già làng của giáo xứ Phước Tường. Chịu chức linh mục vài tháng trước khi di cư vào Nam, trôi giạt đến Tây Ninh trong 3 năm đầu tiên, rồi năm 1957 Cố ra Đà Nẵng (bấy giờ vẫn thuộc giáo phận Qui Nhơn) nhận coi sóc giáo xứ Phước Tường cho đến tận năm 2003, ngót 46 năm, gần nửa thế kỷ! Chưa hết, Cố nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục sống tại Phước Tường, trong một căn hộ giữa dân chúng, thêm 16 năm nữa cho đến nay. Vị chi là 62 năm gắn bó, cho đến tận cuối đời, với bà con xứ đạo này! Biết bao người ở đây đã được Cố rửa tội, dạy giáo lý, chứng hôn, xức dầu bệnh nhân, và cử hành lễ an táng! Cố hiểu biết từng gia đình, từng người như lòng bàn tay. Cố là ‘cha già’ của họ theo nghĩa vừa gần gũi vừa thiêng liêng nhất của từ này…

Thế nhưng đồng thời có một giáo xứ khác, cách xa ngót nghìn cây số, mà Cố Lợi vẫn là già làng. Đó là giáo xứ Nỗ Lực (Phú Thọ), quê hương của Cố. Xa quê ở tuổi 30, khi đã làm linh mục, Cố để lại nửa hồn mình ở đó, với trọn cả ký ức về thời trẻ của mình. Chính vì thế, sau 1975, khi đất nước không còn chia cắt, Cố đã sớm thu xếp về thăm quê nhà Nỗ Lực, cái xứ đạo kỳ cựu và sầm uất ven Sông Hồng, gần thành phố Việt Trì ấy. Ban đầu, những chuyến về thăm quê của Cố còn thưa thớt, thường mỗi năm một lần. Về sau, nhất là khi đã nghỉ hưu, Cố về quê thường xuyên hơn, mỗi năm hai hoặc ba lần, mỗi lần Cố ở lại khoảng vài tuần hay một tháng. Cố đi từ Đà Nẵng ra Hà Nội bằng tàu hoả, rồi từ Hà Nội về Nỗ Lực bằng ô tô, nhất định không bao giờ ăn gì trong suốt chuyến đi gần một ngày đêm, đến nỗi những hành khách bên cạnh và các nhân viên trên toa tàu phát hoảng vì sợ ông cụ gầy gò ấy sẽ xỉu vì đói bất cứ lúc nào! Hồi ấy thực phẩm chưa bị tai tiếng vì nhiễm độc như hiện nay, nhưng Cố vẫn muốn kiêng hoàn toàn như thế cho chắc!

Dân chúng Nỗ Lực, nhiều người trong họ là con cháu của Cố, có cả một kho chuyện dở khóc dở cười để kể về Cố. Họ yêu quí Cố và tự hào về Cố là ‘cha bản hương’ của mình. Họ hiểu Cố rất thương họ. Nhưng phần đông họ cũng rất… sợ Cố (hic)! Mỗi lần Cố Lợi về, họ vừa vui vừa cảm thấy bắt đầu… căng thẳng (hihi)! Bản thân cha sở Nỗ Lực tủm tỉm cười và nhìn nhận mình cũng… sợ cái uy của Cố nữa là! Và Cố hỗ trợ đắc lực cho cha sở trong việc dạy dỗ dân chúng vốn có nhiều điều cần sửa dạy. Cố rất tình cảm, nhưng cũng khá nóng tính và hay quở trách con cháu và mọi người; cái nóng tính của một mục tử sốt ruột trước bao vấn đề trong đời sống đạo của đoàn chiên do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, thể chế… cùng nhiều yếu tố khác. Cố dâng lễ sáng ngày thường và giảng miên man… nhiều khi 30 phút vẫn chưa thôi… những công nhân và học sinh dự lễ phập phồng lo trễ giờ làm, giờ học… Có lần, chịu không nổi, em lễ sinh liều mình rón rén đến bên Cố nhắc: “Cố ơi, Cố giảng lâu lắm rồi đó. Sáng nay chúng con phải đi thi ở trường đó Cố!” Hihi… Thế là Cố kết thúc bài giảng, bằng công thức bao giờ cũng vậy: “Anh chị em đừng quên: Kẻ khen ta mà khen không đúng là kẻ thù ta, người chê ta mà chê đúng là thầy của ta. Amen”.

Mỗi lần chia tay con cái Nỗ Lực, Cố đều doạ: “Chúng mày không nghe tao. Thôi, tao đi lần này sẽ không bao giờ về nữa!” Cứ thế… Nhưng rồi năm sau, Cố lại về, và bà con lại vừa mừng vừa run, nhất là đám trẻ. Chỉ đến khi phải nằm một chỗ, Cố mới thôi không về quê Nỗ Lực – thế là đến lượt cha sở và bà con ngoài đó sắp xếp để thỉnh thoảng vào thăm Cố, như một già làng và một biểu tượng tinh thần của họ. Giờ đây, Chúa gọi Cố về quê trời, quê hương đích thực. Ở đó Cố không còn phải lo dạy bảo ai bằng những bài giảng miên man nữa, vì mọi người đều tốt lành. Ở quê ấy Cố cũng không còn phải doạ ai rằng “Tao đi luôn, không về nữa!” Chúc mừng Cố và tạ ơn Chúa cùng với Cố!

Nguồn facebook: Joseph Duc Lm