Một Thánh Lễ trọng thể mừng Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần đã diễn ra tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng đêm 24/12/2015. Nơi đây quy tu đông đảo các thành phần dân Chúa trong và ngoài nước, kể cả số đông những khách không Công Giáo ghé thăm… Xin mời hiệp thông qua một số hình ảnh bên dưới.

Và BBT cũng xin được mời anh chị xem lại bài giảng của Cha Tổng Đại Diện, kiêm quản xứ Chính Tòa Đà Nẵng, Phaolô Maria Trần Quốc Việt dưới đây: 

Anh chị em đang đọc thấy câu gì trước mặt anh chị em?

Chúng ta cùng đọc lên với nhau xem nào!

Đức Giêsu Kitô

Dung Mạo Lòng Thương Xót Của Chúa Cha.

Đúng rồi!  đó là câu mở đầu trong Tông sắc Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức giáo hoàng Phanxicô.

  1. Và thưa anh chị em, lý do chúng ta tụ họp nhau nơi đây hôm nay là để mừng sinh nhật của Đức Giêsu. Ngài là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa . Nơi Đức Giêsu, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Ngài chính là Thiên Chúa làm người sinh ra trong thế gian. Tất cả mầu nhiệm Kitô giáo được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này.
  2. Như chúng ta biết, sau khi tổ tông loài người là Adam – Eva phạm tội, rồi con cháu ở trong tội, Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót[1] muốn mặc khải cho loài người biết Thiên Chúa là Đấng nào và Ngài muốn cứu chuộc loài người khỏi tội, đem loài người trở lại địa vị làm con Thiên Chúa.
  3. Qua dòng lịch sử, bằng nhiều cách, nhất là qua dân Do Thái, Thiên Chúa đã dần dà thực hiện ý định đó. Đến thời viên mãn[2], Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha[3].
  4. Chúng ta là những người tin như thế.
  • Đức Chúa Giêsu mà chúng ta tin yêu kính thờ đã đến trong thế gian cách đây hơn hai ngàn năm rồi. Hiện nay có khoảng 2 tỉ người (trên tổng số hơn 7 tỉ người đang sống trên địa cầu này) tin Người là Thiên Chúa làm người . Tại sao ít người tin thế?
  • Có người cho rằng: chẳng có ông Chúa Giêsu nào như người Công giáo, Chính Thống, Tin lành tin thờ cả; họ bịa ra đó thôi.
  • Xét trên bình diện lịch sử thì biến cố Chúa Giêsu Giáng sinh là biến cố có thật.

Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe, thánh Luca đã xác định không gian và thời gian rõ ràng: thời hoàng đế Roma là Cesare Augustô, Ông Quirino là thủ hiến xứ Duđêa, có cuộc tổng điều tra dân số và buộc về nguyên quán để khai hộ khẩu, thánh Giuse và Mẹ Maria về quê Bêlem và sinh ra Chúa Giêsu tại đó.

Từ khi Hài Nhi Giêsu xuất hiện trên trần gian thì nền văn minh nhân loại, chân lý mà loài người tìm kiếm đã bước sang một khúc quanh quan trọng.

Nhân loại đang xử dụng thời gian theo niên biểu Kitô giáo.

Từ tôn giáo đa thần bước dần sang tôn giáo độc thần.

Những kẻ nghèo hèn cô thế cô thân đã có đồng minh là Hài Nhi Giêsu. Ảnh hưởng và thế lực của Hài nhi này vượt biên giới, vượt thời gian, vượt sức đe dọa của bao bạo chúa cường quyền đúng như lời tiên tri Isaia đã nói: “Một Hài Nhi đã sinh ra để cứu ta,

Một Người Con đã ban tặng cho ta.

Ngài sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh từ nay cho đến mãi muôn đời”[4].

Để rồi hằng năm, cứ đến tháng 12 là khung cảnh mừng Chúa Giáng sinh lại rộn ràng, càng ngày càng có nhiều thứ trang trí vui mắt, nhiều cuộc vui chơi ăn theo lễ Giáng sinh, nhiều bài ca tỏ tình được sáng tác dựa hơi trên sự kiện Giáng sinh…Lễ Giáng sinh ngày nay người ta mừng nhiều lắm, đông lắm. Có đến hơn 70% là người không tin như chúng ta cũng mừng lễ Giáng sinh. Nhưng chắc chắn là không như chúng ta mừng. Họ mừng chẳng qua chỉ là thị hiếu, là khoảng không gian thời gian giải trí, để vui cho nên đối với họ Giáng sinh chỉ là lễ hội như bao thứ lễ hội dân gian khác.

  1. Còn chúng ta không mừng Chúa Giáng sinh như một kỷ niệm, không như là một lễ hội thuần túy mà trong lễ giáng sinh có một bình diện rất quan trọng chính là Bình diện tâm linh.
  2. Nếu Giáng sinh là sự kiện lịch sử thì chỉ có 1 lần duy nhất đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm rồi. Nếu mang ý nghĩa lễ hội thì đó chỉ là 1 kỷ niệm như dân gian người ta gợi nhớ ngày sinh của ai đó làm nên lịch sử nào đó thôi, hoặc như ngày sinh của mình cũng chỉ là để biết mình bao nhiêu tuổi. Thế thôi!

Nếu chúng ta hiểu và mừng mầu nhiệm Giáng sinh trên bình diện tâm linh thì Hài nhi Giêsu phải sinh ra trong từng phút giây, từng giờ và mọi ngày trong suốt cuộc đời chúng ta. Bởi vì Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa thật. Người là Đấng vĩnh cửu đi vào thời gian, Đấng phi thời gian đi vào lịch sử loài người, Đấng Bất tử đi vào kiếp phù sinh. Đấng đó được thánh Gioan tông đồ xác tín rằng:

Là Lời của Thiên Chúa, là Tạo hóa, là Đấng có từ trước muôn đời và luôn hằng hữu, là sự sáng, là sự sống, là sự thật, là Đấng đến trong thế gian và thế gian nhờ Người mà có nhưng thế gian không chấp nhận Người.

Và thánh Tôma Aquinô tiến sĩ Hội thánh cũng đã nói: “bởi vì muốn chúng ta được thông phần Thiên tính của Người, nên Con Một Thiên Chúa đã mang lấy bản tính loài người chúng ta, để vì Chúa làm người, Chúa biến đổi chúng ta thành thần thánh”. Chúng ta tin và mừng Giáng sinh với ý nghĩa đó.

Biến đổi thành thần thánh là gì?

Là một khi Chúa Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa Cha thì chính ta cũng là dung mạo lòng thương xót của Chúa Giêsu. Nghĩa là mỗi chúng ta phải lặn sâu vào trong sự sống của Người ban cho chúng ta: sống tâm tình, cách sống mà Người muốn chúng ta sống. Thánh Phaolô đã cho chúng ta kinh nghiệm sống này trong thư gửi tín hữu Galata : “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”[5]. Hoặc như trong thư gửi tín hữu Philip: “anh em hãy mang trong anh em những  tâm tư đã có trong Giêsu”[6]

Nói như thế có nghĩa là: Chúa Giêsu phải được sinh ra trong suy nghĩ, trong lời nói, trong từng phút giây cuộc đời. Đó mới là ý nghĩa đích thực mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta đang mừng đây.

Thưa quý ông bà anh chị em,

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Giáo hội mời gọi chúng ta xác tín thật vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, chậm bất bình và rất bao dung. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con yêu quý chính là Đức Giêsu Kitô, hiện thân lòng thương xót. Người thương chúng ta thật, tha thứ tất cả những lỗi phạm. “Ngài tỏ bày tình yêu của Ngài, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con của mình. Phải nói đây là một tình yêu “thấu tận ruột gan”. Tình yêu này phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, thật tự nhiên, đầy nhân từ và trắc ẩn, khoan dung và luôn tha thứ[7].

Tiếc thay, bao nhiêu người chưa nhận biết Thiên Chúa tình thương là cội nguồn là cùng đích của con người, Ngài luôn đứng bên ngoài gõ cửa, chờ đợi con người mở mà nhiều người chẳng chịu mở cho Ngài vào.

Càng tiếc hơn cho những con người mãi mãi là con chiên đi lạc và cứ thế mải chạy trốn Thiên Chúa.

Họ đã không nhận ra ánh mắt nhìn yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Giakêu và Mátthêu khỏi lệ thuộc vào tiền bạc; giúp người đàn bà ngoại tình và bà Mađalêna khỏi cảnh tìm kiếm hạnh phúc nơi những tạo vật. Họ đã không nhận ra cách Chúa đã khiến ông Phê -rô khóc than sau khi chối Chúa, và đã bảo đảm Thiên Đàng cho người trộm lành biết thống hối[8]. Những mảnh đời đó chưa là dấu chỉ để nhiều người có lối sống tương tự như thế nhận ra lòng thương xót Chúa , để tin và quay về với Chúa.

Còn chúng ta, những người đang có và đang sống đức tin, luôn nhận thấy Chúa thương mình, thấy bao ân huệ của Chúa ban cho mình, để mình sống như Chúa dạy “Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót”[9]. Đây là một chương trình sống đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui và an bình. Để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa[10], niệm suy để khám phá và hình thành nơi mình một cách sống đậm nét dung mạo của Chúa Giêsu:

  • Thấy họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt, Người đã chạnh lòng thương (x. Mt 9,36).
  • Biết đáp ứng nhu cầu vật chất khi người ta đang thiếu: với một ít bánh và cá, Người đã cho đám đông được ăn no thỏa (x. Mt 15,37).
  • Biết chạnh lòng như Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước nỗi đau tận cùng của người mẹ đang khóc con, và đã trao lại cho bà người con được hồi sinh từ cõi chết (x. Lc 7,15).

Biết loan báo ân huệ đức tin, ân huệ cuộc sống/ như người được trừ quỷ ở Ghêrasa, Chúa bảo anh ta: “trở về với thân nhân, nói cho họ biết việc Chúa đã làm cho anh, và đã thương xót anh như thế nào”[11].

Biết tha thứ không chỉ 7 lần mà đến 70 lần bảy.

Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa giàu lòng thương xót không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót.

Dụ ngôn về “người đầy tớ nhẫn tâm”. Khi bị chủ đòi một món tiền nợ khổng lồ, hắn đã quì xuống van xin và chủ đã tha hết nợ cho hắn. Nhưng sau đó hắn đã nhẫn tâm với người bạn chỉ mắc nợ vài xu. “Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?”[12]. Dung mạo của Chúa Giêsu đã không có nơi anh ta.

Chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã  được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc[13].

Chúng ta biết rằng :

Trước sự nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đã đáp lại bằng tình yêu tràn đầy. Lòng thương xót luôn lớn hơn tội lỗi và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Và Lòng thương xót của Chúa thì vô cùng.

Xin cho chúng ta khi mừng sinh nhật của Đức Giêsu, dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa/, trong Năm Thánh này, chúng ta luôn nhận ra Thiên Chúa đã yêu ta, tha thứ cho ta. Xin cho ta luôn sống trong Người để phản ảnh dung mạo lòng thương xót của Người bằng việc mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu, nhẫn nại chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau, quan tâm đến nhau về tinh thần cũng như vật chất. Sống như thế là chúng ta đã để cho Chúa Giêsu phá tan u tối trong ta, và không còn cái gông, cái ách nào đè nặng trên vai ta nữa.

I wish you a Christmas filled with the grace of the Child Jesus and each day we become the face of Jesus Christ more.

 

DSC_0960.JPG - 233.16 kb

 

DSC_0390.JPG - 219.23 kb

 

DSC_0409.JPG - 148.92 kb

 

DSC_0419.JPG - 235.82 kb

 

DSC_0437.JPG - 224.95 kb

 

DSC_0438.JPG - 224.98 kb

 

DSC_0445.JPG - 197.74 kb

 

DSC_0458.JPG - 256.95 kb

 

DSC_0467.JPG - 218.15 kb

 

DSC_0489.JPG - 232.32 kb

 

DSC_0492.JPG - 247.16 kb

 

DSC_0499.JPG - 227.51 kb

 

DSC_0504.JPG - 279.21 kb

 

DSC_0527.JPG - 255.55 kb

 

DSC_0517.JPG - 238.72 kb

 

DSC_0443.JPG - 193.57 kb

 

DSC_0507.JPG - 200.88 kb

Xin mời xem hình đầy đủ với dung lượng lớn tại đây:

 

Xin mời xem toàn bộ ảnh Đêm Đại Lễ Giáng Sinh 2015 tại đây:

 

 

 Cước chú:

[1] Ep 2,4

[2] Gl 4,4

[3] Ga 14,9

[4] Is 9,6

[5] Gl 2,20

[6] Pl 2,5

[7] Tông sắc M.V.số 6

[8] Kinh Năm Thánh lòng Thương Xót

[9]  Lc 6,36

[10] Tông sắc M.V số 13

[11] Mc 5,19

[12] Mt 18,33

[13] Tông sắc M.V.số 9