Tóm lược chủ đề: Văn học Tôn giáo từ năm 1620 đến nay, do LM Đa Minh Nguyễn Đức Thông – Tiến sĩ Giáo dục Tôn giáo, dòng Chúa Cứu Thế thuyết trình.

LM Đa Minh là tác giả dịch thuật của 59 quyển sách các loại, ngài đã trình bày những nét chấm phá của chữ Quốc ngữ trong nền văn học VN từ năm 1620 cho đến hiện nay:

Bắt đầu bài thuyết trình của mình, cha Đức Thông đã trình bày về chữ Quốc ngữ và quá trình hình thành của nó, nhờ đó mà chúng ta ngày nay có những vần thơ du dương theo các thanh điệu sắc, huyền, hỏi, ngã…

Sau đó cha Đức Thông đi vào vấn đề văn học nói chung và văn học Công giáo nói riêng với những đối tượng: thuần tuý tôn giáo, làm sáng tỏ Lời Chúa, lấy cảm hứng từ Công giáo, chủ trương minh giáo và những nhà văn không Công giáo.

Sang phần tiếp theo, cha thuyết trình về: Là người Công giáo, chúng ta mang trong mình sứ mạng của Kitô hữu và khi là một văn thi sĩ Công giáo chúng ta mang thêm trong mình sứ mạng văn sĩ Công giáo: dùng nghệ thuật để truyền bá đức tin, phục vụ, bảo vệ và tôn thờ Thiên Chúa.

Cha Đức Thông đã dành phần lớn nội dung nói về văn học Công giáo Việt Nam, khởi đi từ bản chất tín ngưỡng của người Việt Nam. Một tâm hồn đầy tôn giáo tính, người Việt theo đạo Công giáo chỉ vì muốn được rỗi linh hồn. Họ siêng năng đọc kinh sáng tối. Họ thực hành cách sống đạo trọn vẹn điều răn mến Chúa và yêu người, đến độ người lương dân gọi là những người “đạo yêu nhau”.

Về phần mình, các nhà thừa sai luôn hết mình hội nhập văn hoá. Năm 1659, Thánh bộ Truyền bá Đức tin đã chỉ thị cho các thừa sai không được sửa đổi phong tục, tập quán của người bản địa, trừ những gì trái nghịch rõ ràng với giáo lý và luân lý Công giáo.

Chúng ta biết rằng, trong nỗ lực thoát Hán, người Việt đã nổ lực hình thành chữ Nôm, một ngôn ngữ cho riêng mình. Người Công giáo Việt Nam, bao gồm cả các nhà thừa sai, trong thời kỳ đầu đã không ngần ngại sử dụng chữ Nôm để trước tác, điển hình như Girolamo Majorica (1591-1656), thầy Phanxicô, mẹ con bà Catarina… tại Dinh Kẻ Chàm (Quảng Nam) có thầy Lữ Y Doãn với Sấm Truyền Ca gồm 3.596 câu thơ lục bát chào đời 1670.

Từ năm 1820 đến khi tiếng Việt theo mẫu tự La tinh thành chữ Quốc ngữ năm 1919, người Công giáo vẫn không chỉ âm thầm làm phong phú nền văn học Công giáo thôi mà còn mở đường cho nhiều trào lưu văn học mới của quê hương, với nhiều hình thức: truyện, kinh nguyện, giáo lý-minh triết, tự điển-ngôn ngữ, tuồng… với nhiều tác giả lừng danh như: Linh mục Felippe Do Rosario Bỉnh (1759-1833), Đặng Đức Tuấn (1806-1874)…

Giai đoạn 1919-1975, bất kể những thăng trầm về chính trị, những đổi thay về xã hội, những biến chuyển về kinh tế trong xã hội Việt Nam, văn học Công giáo đã phát triển rất mạnh, rất rộng cả về phẩm lẫn lượng được thể hiện từ báo chí, chuyên khảo và kinh điển, kịch nghệ, ký sự… Nhiều nhà in Công giáo ra đời.

Từ 1975 đến hết thế kỷ 20, Giáo hội Công giáo miền Nam rơi vào tình trạng bi đát. Chủng viện giải tán, tri thức di tản, ly hương.

Ở giai đoạn này, các cá nhân và vài nhóm tiếp tục âm thầm nghiên cứ, phiên dịch Kinh Thánh, như Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn (1976), Đức HY Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1985), Kinh Thánh trọn bộ Cựu-Tân ước của Nhóm các Giờ kinh Phụng vụ (1998).

Ngoài ra cũng có một số tác giả như là Giám mục, Linh mục, tu sĩ và cả giáo dân viết về thơ ca Kinh Thánh, suy niệm, tu đức, triết học…

Kết luận bài thuyết trình của mình, ngài viết: Từ khi được khai sáng tới khi trở thành chữ Quốc ngữ vào năm 1919, tiếng Việt viết theo mẫu tự La tinh vẫn chỉ là ngôn ngữ của người Công giáo. Suốt 300 năm ấy, người Công giáo đã khai mở những khuynh hướng mới trong văn học nghệ thuật… Suốt 400 năm qua, ở đâu có người Công giáo (trong và ngoài nước), ở đó có văn học Công giáo, sử dụng chữ Quốc ngữ để loan báo Tin mừng, đối thoại với các tôn giáo khác.

Xin mời xem hình tại hội thảo tại đây:

 
Failed to get data. Error:
Quota exceeded for quota metric 'All requests' and limit 'All requests per day' of service 'photoslibrary.googleapis.com' for consumer 'project_number:550528419474'.