Đây là bài viết thứ hai trong “Nhật ký về cuộc khủng hoảng” của cha Federico Lombardi. Tình trạng khẩn cấp mà chúng ta đang đối diện, trong khó khăn của cuộc sống không có Bí tích Thánh Thể, đã đưa chúng ta đến tái khám phá sự hiệp thông thiêng liêng.

Khi chúng tôi, giờ thì đã lớn tuổi, còn là những trẻ nhỏ, các bài giáo lý thường dạy chúng tôi về «rước lễ thiêng liêng». Chúng tôi được cho biết rằng mình có thể hiệp thông thiêng liêng với Chúa Giêsu hiến tế trên bàn thờ, ngay cả khi chúng tôi không thể hiệp thông bí tích với việc đón nhận cách thực sự bánh thánh đã thánh hiến. Rước lễ thiêng liêng vốn là một thực hành tôn giáo nhằm cho chúng ta cảm nếm sự hiệp thông liên lỉ với Chúa Giêsu, không chỉ khi chúng ta được đón rước trong Thánh lễ, mà còn cả những nơi chốn hay thời điểm khác. Không chỉ là một cách để hiệp thông thiêng liêng, mà trong một ý nghĩa nhất định, nó đã tiếp tục sự hiệp thông và chuẩn bị sự hiệp thông, trong những khi viếng Bí Tích Cực Thánh hoặc trong các thời gian cầu nguyện khác. Sau đó, chúng tôi đã không nghe nói cách thực hành như thế trong nhiều thập kỷ. Sự nhấn mạnh vào việc rước lễ trong Thánh lễ, đương nhiên là tốt, đã đưa đến việc làm lưu mờ những chiều kích truyền thống khác của lòng sùng mộ Kitô giáo.

Tôi bắt đầu nghĩ lại giá trị của «rước lễ thiêng liêng» trong một hoàn cảnh ngoại thường. Suốt thời gian Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Madrid năm 2011, một cơn bão bất ngờ trong đêm đã phá hủy phần lớn các nhà lều nơi đã chuẩn bị các bánh thánh sẽ được thánh hiến cho sự hiệp thông của gần hai triệu bạn trẻ có mặt trong Thánh lễ bế mạc vào ngày hôm sau. Vì thế, trong Thánh lễ đại triều do Đức Thánh Cha chủ tế, chỉ một phần nhỏ những người trẻ tuổi có thể rước lễ, vì thiếu các bánh thánh. Nhiều người đã bị sốc bởi điều này – ít là vào lúc ban đầu – đó như thể là lý do mà Đại hội coi như thất bại, bởi thiếu hụt một điều gì đó thiết yếu nơi khoảnh khắc tâm linh cao điểm của biến cố. Phải rất nhiều cố gắng cùng với thời gian để giúp hiểu rằng việc lãnh nhận bí tích thực sự là rất quan trọng, nhưng đó không phải là cách thế duy nhất và không thể thiếu để kết hợp với Chúa Giêsu và thân thể của Người là Giáo hội.

Bây giờ, Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong suốt thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Santa Marta, khuyến khích các tín hữu không thể hiện diện cách thể lý cầu nguyện với ngài để thực hiện «rước lễ thiêng liêng». Điều này gợi lên một trong những cách thức truyền thống được dạy từ lâu trong quá khứ nơi các bậc thầy tâm linh của dân Kitô giáo; những cách thức vốn quen thuộc với nhiều người mẹ và người bà của chúng ta, những người thường xuyên hoặc mỗi ngày đi lễ vào sáng sớm, nhưng họ cũng biết cách duy trì kết hiệp với Chúa, theo cách riêng của mình, trong các công việc suốt ngày.

Trong số những ký ức về thời gian học giáo lý, một hình ảnh nhỏ đã gợi về trong tâm trí tôi, nơi đó ở trung tâm có vị linh mục nâng tấm bánh được thánh hiến, và xung quanh, như trên bề mặt của một đồng hồ, những giờ buổi sáng từ các quốc gia và lục địa khác nhau được chỉ ra nơi mà các linh mục cử hành thánh lễ (lúc đó chỉ cử hành vào ban sáng). Điều đó muốn nhắc nhớ rằng trên thế giới tái diễn liên tục hy tế của Chúa Giêsu chết cho chúng ta, và chúng ta có thể liên lỉ kết hợp cách thiêng liêng với Ngài và với hiến lễ của Ngài.

«Rước lễ thiêng liêng», khi không thể lãnh nhận bí tích thực sự, cũng được gọi cách đúng đắn là “hiệp thông của lòng ước ao”. Ước ao cuộc sống của chính mình được kết hiệp với Chúa Giêsu, đặc biệt với hy tế trên thập giá của Ngài cho chúng ta. Trong thời gian kéo dài việc ăn chay Thánh Thể bắt buộc, nhiều người vốn đã quen với việc rước lễ thường xuyên ngày càng cảm thấy thiếu “lương thực hằng ngày” từ Thánh Thể. Trong cách thế thực sự ngoại lệ này chính Giáo hội cũng chấp nhận điều này với các tín hữu, như một dấu chỉ của sự liên đới và cảm thông với hoàn cảnh toàn thể các nước bắt buộc phải giới hạn, thiếu thốn và khổ đau do đại dịch.

Ăn chay là một sự thiếu thốn, nhưng có thể là thời gian cho sự tăng trưởng. Như tình yêu của vợ chồng trong khoảng thời gian dài xa cách bởi những lý do bất khả kháng có thể trưởng thành và nên sâu đậm trong sự chung thủy và trong sạch; thì việc ăn chay Thánh Thể có thể trở thành thời gian để lớn lên trong đức tin, trong ước ao về hồng ân của sự hiệp thông bí tích, của sự liên kết với những ai do bởi những lý do khác nhau không thể lãnh nhận, của sự giải thoát khỏi sự bất cẩn của thói quen… Không phải là điều hiển nhiên và tầm thường khi người ta tái hiểu rằng Thánh Thể chính là món quà nhưng không và lạ lùng của Chúa Giêsu… cần hết lòng khao khát… một cách liên lỉ… Phải chăng đây cũng có thể là một hậu quả của thời điểm đảo lộn hiện nay? 

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam