Ngày 14 tháng 10

Thứ Năm tuần 28 Mùa Thường Niên

Rm 3,21-30

Lc 11,47-54

Phaolô kết thúc đoạn trình bày trong Rm 1,18-3,20 bằng một lời phát biểu rất ấn tượng: “Do Thái cũng như Hi Lạp…, tất cả đều bị tội lỗi thống trị” (Rm 3,9). Nếu đúng là như thế, có vẻ như không ai có thể được cứu rỗi nếu chỉ dựa vào khả năng của con người. Nhưng Phaolô tin rằng sự can thiệp của Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã khắc phục tình hình vô vọng này của loài người: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” (Rm 3,21). Như vậy, Phaolô đặt quyền năng cứu độ của Thiên Chúa tương phản với tình trạng nô lệ tội lỗi. Công trình giải thoát mạnh mẽ của Thiên Chúa diễn ra hôm nay, vì sáng kiến tự do của Người đã mặc lấy hình thức lịch sử nơi Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại (x. Rm 3,24-25; 4,25). Khi một người gắn bó với sáng kiến ấy của Thiên Chúa, đời sống của họ hoàn toàn thay đổi: họ được giải thoát khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và sự chết (x. Rm 3,24) và sống như một người bạn trung tín của Thiên Chúa và người thân cận, theo cái lôgích tình liên đới của giao ước, nghĩa là, như những “người công chính” (Rm 3,26).

Ở đây Phaolô trình bày một thần học hoàn toàn đối lập với não trạng của thời đại ngài. Do Thái giáo thời kỳ sau đã giản lược Lề Luật của Thiên Chúa vào sự thống trị tuyệt đối, tách rời Lề Luật khỏi mối quan hệ cấu thành và nguyên thuỷ với lịch sử và giao ước của Thiên Chúa, cho rằng Lề Luật tự nó có giá trị. Kết quả là Lề Luật thay thế sự vâng phục Thiên Chúa với việc tuân giữ các qui định và các điều cấm kỵ một cách chi li và cứng nhắc. Lối suy nghĩ này dẫn đến sự thổi phồng tính tự mãn của loài người trước số phận cuộc đời của một người. Cứu chuộc dựa vào “các việc làm của Lề Luật”, vốn là đặc trưng của Do Thái giáo thuộc trường phái các Rabbi, trên thực tế nó biến loài người trở thành một ông vua tôn giáo chuyên chế, quên mất Thiên Chúa và coi mình là chủ thể của ân sủng. Thái độ bè phái và loại trừ phát sinh từ đó tạo ra một đường ranh phân biệt rõ ràng giữa người Do Thái hiểu biết và tuân giữ Lề Luật, và những người ngoại giáo tất yếu phải hư mất vì không có Lề Luật.

Thánh Tông đồ trình bày cho chúng ta một sự hiểu biết thần học về công chính hoá, như là một chọn lựa thay thế cho giáo lý Do Thái giáo này của thời ngài. Ngài nại đến đức công chính cứu độ của Thiên Chúa và chỉ ra đức tin như là khả năng cứu chuộc duy nhất có thể có để thoát khỏi sự thống trị của tội và số phận phải chết đời đời. Về thực hành, Phaolô bác bỏ hình ảnh nghiêm khắc của một vị Thiên Chúa không có lòng thương xót; trái lại, ngài bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, khuôn mặt của một người Cha dùng tình yêu để hành động và can thiệp cho loài người tội lỗi. Đứng trước sáng kiến kỳ diệu này của Thiên Chúa, người Do Thái cũng như dân ngoại đều ở trên cùng một mặt bằng; cả hai đều cần ơn cứu độ như một món quà và luôn luôn được kêu gọi đến với đức tin bởi vì cả hai đều ở dưới luật của tội. Trong tiến trình hoán cải trờ thành phổ quát này, Ítraen được cứu và lấy lại chỗ đứng chính đáng của nó trong sự tuyển chọn của Thiên Chúa (x. Rm 9-11). Ítraen sẽ được cứu cùng với mọi dân tộc trên trái đất này. Sự tuyển chọn Ítraen trở thành một dấu chỉ hiệu quả cho sự khởi đầu của ơn cứu độ cho người Do Thái cùng với các dân ngoại.

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết:

Từ việc chia sẻ cách nhìn này của Chúa Giêsu, thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta trong các bài viết của ngài một mô tả về đời sống đức tin. Qua việc chấp nhận hồng ân đức tin, các tín hữu được biến đổi thành một tạo vật mới. Họ nhận được một con người mới, là con cái [Thiên Chúa]; họ trở nên con cái trong Chúa Con. Cụm từ “Abba, lạy Cha”, là lời rất đặc trưng của kinh nghiệm của Chúa Giêsu, trở thành trung tâm kinh nghiệm của Kitô giáo (x. Rm 8,15). Đời sống trong đức tin, như một đời con thảo, là một sự nhìn nhận hồng ân nguyên thuỷ và triệt để, là nền tảng của cuộc đời con người, và có thể được tóm tắt trong câu của thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô: “Có gì mà anh em đã không nhận được?” (1Cr 4,7). Đây chính là trung tâm của cuộc tranh luận của thánh Phaolô với những người Biệt phái, cuộc thảo luận về ơn cứu độ bằng đức tin  hoặc bằng việc làm của Lề Luật. Điều mà thánh Phaolô bác bỏ là thái độ của những người tự coi mình là công chính trước mặt Thiên Chúa qua trung gian của hành động đúng của mình. Những người như thế, ngay cả khi họ tuân giữ các điều răn và làm những việc lành, tự đặt mình ở trung tâm và không nhận ra rằng nguồn gốc của sự tốt lành là Thiên Chúa. Những người làm như thế, muốn thành nguồn gốc của sự công chính riêng của họ, họ nhanh chóng thấy rằng sự công chính này trở nên khô cằn và họ không thể thậm chí giữ được lòng trung thành với Lề Luật. Họ tự khép kín mình và tự cô lập đối với Chúa và với tha nhân, kết quả là cuộc đời của họ trở nên cằn cỗi như một cây sống xa nước. Thánh Augustinô cũng đưa ra bằng ngôn từ ngắn gọn và hiệu quả của ngài: “Ab eo qui fecit te, noli deficere nec ad te,” “Đừng quay lưng lại với Đấng đã dựng nên bạn, ngay cả quay về phía chính mình.” Khi một người nghĩ rằng bằng cách quay lưng lại với Thiên Chúa, họ sẽ tìm thấy chính bản thân họ, cuộc đời người ấy bắt đầu sụp đổ (x. Lc 15,11-24). Khởi đầu của ơn cứu độ là mở lòng ra với một cái gì có trước, với một món quà nguyên thuỷ là món quà đảm bảo cho cuộc sống và duy trì nó trong đời. Chỉ bằng cách mở lòng của chúng ta ra cho nguồn gốc này và qua việc nhìn nhận nó, con người mới có thể được biến đổi, nhờ để cho ơn cứu độ hoạt động trong mình và làm cho cuộc đời mình sinh hoa trái, đầy những hoa trái tốt, Ơn cứu độ nhờ đức tin có nghĩa là công nhận tính ưu việt của hồng ân của Thiên Chúa. Như thánh Phaolô đã tóm lược: “Nhờ ân sủng mà anh em được cứu độ qua đức tin; và đó không phải bởi anh em, mà là bởi ân huệ của Thiên Chúa” (Ep2,8). [Lumen Gentium, số 19. Bản dịch tiếng Việt của UBGLĐT/HĐGMVN].

Thánh Phaolô đề nghị cho các tín hữu Rôma những chân trời phổ quát của ân sủng Thiên Chúa, là nền tảng của sứ mạng được Chúa trao cho ngài và thông truyền cho Hội Thánh được sinh ra từ cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu và được sai đến thế giới bởi Thần Khí của Chúa Phục Sinh.