Ngày 16 tháng 10

Thứ Bảy tuần 28 Mùa Thường Niên

Thánh Hétvich, nữ tu

Thánh Magarita Maria Alacốc, nữ tu

Rm 4,13.16-18

Lc 12,8-12

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dự báo trước những bối cảnh khác nhau mà các tông đồ sẽ gặp phải khi làm chứng cho Người, gồm cả khả năng họ sẽ gặp phải những phản ứng thù nghịch. Ra trước các hội đồng Do Thái và trước các nhà cầm quyền, họ sẽ làm chứng đức tin của họ trước các môi trường tôn giáo và dân sự. Các lời của Người được ứng nghiệm trong sách Công Vụ Tông Đồ khi Phaolô giảng trong hội đường ở Salamis (x. Cv 13,4-17) và khi ngài làm chứng cho Đức Giêsu trước nhà cầm quyền Rôma (x. Cv 21,33-22,29). Đức Giêsu bảo đảm cho những ai theo Người rằng lời chứng của họ ở trần gian sẽ đạt thấu trời; cũng như họ nhìn nhận Con Người trước mặt các cộng đồng tôn giáo hay dân sự ở dưới đất này thế nào, thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa như vậy.

Ngay trước đó, Đức Giêsu đã từng khích lệ các môn đệ hãy dũng cảm và tin tưởng vào những thời kỳ bị bách hại. Như có thể suy ra từ phần còn lại của bài giảng truyền giáo, Người không hứa cho họ sự thảnh thơi hay không bị đánh đập và chối bỏ, nhưng Người cho họ thấy gốc rễ thực sự của tự do: chiến thắng sự sợ hãi bắt nguồn từ chiến thắng của Đức Giêsu trên sự chết. Đối với Đức Giêsu và các môn đệ của Người, Phục Sinh sẽ là trải nghiệm cuộc chiến thắng này.

Những thời điểm trong lịch sử, khi các môn đệ được kêu gọi công khai nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Mêsia, đó là thời điểm công bố cuộc phán xét cuối cùng trước mặt Thiên Chúa, khi chính Đức Giêsu là Con Người, sẽ đứng lên làm vị luật sư bào chữa. Trong hình ảnh của tiến trình tố tụng (x. Is 50,8-9; Rm 8,33), chúng ta hình dung ra Chúa Phục Sinh, Đấng đang ở với Thiên Chúa, nhưng cũng đang hiện diện thực sự trong Hội Thánh nhờ Thần Khí của Người, trong cuộc đấu tranh với các lãnh đạo và các thế lực của thế gian này mà các môn đệ vẫn tiếp tục phải đối diện (x. Lc 11,11-12).

Lời phát biểu của Đức Giêsu rằng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha thứ khiến chúng ta khá ngạc nhiên, nếu nghĩ về dụ ngôn người con hoang đàng (sẽ được kể sau đó ba chương trong Lc), nhấn mạnh đến việc tha tội. Nhưng chúng ta phải hiểu lời dạy này trong bối cảnh cụ thể của khái niệm Luca về sứ mạng Kitô giáo. Những người đi theo Con Người cũng sẽ chối bỏ Người, như chúng ta thấy ngay cả ông Phêrô, tông đồ thứ nhất giữa các tông đồ, đã chối bỏ Đức Giêsu khi Người bị bắt. Phêrô đã không nhìn nhận Đức Giêsu và không trung thành với Người vì ông chưa chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, và cũng chưa nhận lãnh Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Nhưng ông Phêrô đã được tha thứ với lời chào của Chúa Phục Sinh “Bình an cho anh em” (Lc 24,36), và bằng tình yêu (x. Ga 21,15-19). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, trải nghiệm Tin Mừng được hoàn tất và ông Phêrô được đổi mới và tràn đầy quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh, được chắc chắn về ơn đức tin. Lời tuyên xưng Kitô học của ông là kết quả của Thánh Thần trong ông (x. Mt 16,18).

Đương nhiên Luca rất ý thức về các trải nghiệm của Hội Thánh sơ thời trong sách Công Vụ – việc can đảm làm chứng của các tông đồ (x. Cv 4,5tt.; 5,32), nhưng cũng ý thức về sự dấn thân của các cộng đoàn Kitô hữu trước nguy cơ bỏ đạo hay yếu đức tin khi phải đối diện với những mối đe doạ và đàn áp từ bên ngoài. Sau đó ông nhắc nhớ lại một câu nói của Đức Giêsu khiến các tín hữu phải suy nghĩ, làm cho họ ý thức hơn và mạnh mẽ hơn: một lời chống lại Con Người sẽ có thể được tha thứ, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể được tha. Ai từ chối Con Người trong sứ vụ của Người ở trần gian này thì sẽ được tha và sẽ được một cơ hội mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần; do đó họ sẽ có thể nhận được ơn hoán cải và tha tội. Đó là trường hợp của Phaolô và của nhiều người Do Thái đã hoán cải. Nhưng làm thế nào một người có thể được tha tội nếu họ từ khước Thánh Thần – Đấng là nguồn gốc và tác nhân của ơn tha thứ, sám hối và đổi mới của các môn đệ? Luca thấy điều này được khẳng định trong kinh nghiệm về sự cứng đầu và mù quáng của những người đã chối bỏ các chứng từ của các tông đồ (x. Cv 28,25-28). Đây là một hành vi hoàn toàn ý thức và tự do đóng chặt cửa trước hành động của Thánh Thần và chuyển động hoà giải và tha thứ của Thánh Thần, đến mức không người nào có thể được cứu rỗi ngược với ý muốn và hành động của họ. Việc đón nhận hay từ khước Chúa Thánh Thần là một mối quan hệ mầu nhiệm của lương tâm và tự do của chúng ta với Thiên Chúa; chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt lòng chúng ta. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng biết rõ lòng chúng ta, có thể ban cho chúng ta ơn tha tội và ơn cứu độ.