Ngẫm lại nhân gian một kiếp người
Suy cùng mạng mạch cũng buông thôi
Trăm năm đời ấy như mây nỗi
Tụ tán vô thường bóng nước trôi !

Sống chết rồi đây sẽ đến ngày.
Đời người là một thoáng mây bay.
Vô thường vần đổi nào ai biết.
Ái ố tham sân mãi dẫy đầy.
(Trích thơ Nguyễn Đình Diệm)

Hay như sách Thánh Vịnh:
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết”. (Tv 49,11-13)

Và còn nhiều bài thơ hay đoạn Kinh Thánh nữa nói về kiếp người, sự sống và cái chết mà ở đời ai cũng nghĩ đến. Chết chưa phải là hết, đó là niềm tin của hầu hết mọi người ở khắp mọi nơi dù là tôn giáo hay vô thần, dân Việt cũng không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy mà người ta đã vẽ nên rất nhiều việc, nhiều chuyện để làm và để cầu cho người đã chết.

Còn câu nói của thiên tài âm nhạc – Wolfgang Amadeus Mozart: “Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc”. Đó là niềm tin mãnh liệt của người Công giáo chúng ta vào sự sống lại như Đức KiTô đã chiến thắng tử thần để dẫn đưa chúng ta về Quê Trời, tất nhiên những linh hồn sau khi chết được lên Thiên Đàng là các Thánh Nam Nữ mà chúng ta vừa mừng lễ hôm qua ngày 1/11. Còn những linh hồn vì phạm tội trọng trong cuộc lữ thứ trần gian sẽ xuống địa ngục và mãi mãi bị thiêu đốt trong lửa nóng. Những linh hồn đã phạm những tội nhẹ hơn thì được “thanh luyện” trong luyện ngục để được giải thoát và lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời cùng Chư Thánh. Các linh hồn ấy không loại trừ việc có những người thân quen của mỗi chúng ta, có thể là ông bà, cha mẹ, tổ tiên… của chúng ta. Nhưng chắc một điều rằng, các linh hồn ấy không thể làm được điều gì để thoát khỏi luyện ngục mà rất cần những việc làm, những lời cầu nguyện của chúng ta.

Giáo Hội dành nguyên tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn nam nữ, đó là việc làm rất ý nghĩa để chúng ta tưởng nhớ đến những người thân thương đã khuất, chỉ có cách duy nhất đó thì các linh hồn mới sớm có cơ hội được tha vì bản thân người chết không thể cầu nguyện cho chính mình nên rất cần sự giúp đỡ của những người đang ở cõi dương gian này, bằng cách tham dự các thánh lễ, xin lễ, bằng tâm tình nguyện cầu khi viếng đất thánh –  nơi an nghỉ tạm bợ chờ ngày phục sinh của những anh chị em đã qua đời. Đó là cách chúng ta báo hiếu cho ông bà tổ tiên, thân sinh quyến thuộc và cũng là cách trả công ơn cho những người thân quen nào đó mà trên đường đời ta đã gặp, cũng có thể bằng việc làm hay lời cầu nguyện trong lúc còn sống đã giúp đỡ chúng ta vượt qua những khó khăn, ngặt nghèo để có được sự bình an hôm nay. Hơn thế nữa, là sự kết hiệp rất mầu nhiệm các thánh thông công giữa người sống và kẻ chết trong một mối dây tơ duyên và hằng hữu với Đấng Phục Sinh, chỉ có Ngài và trong Ngài mà tất cả mọi tín hữu đang sống hay đã lìa trần mới được ơn cứu rỗi. May thay, tất cả những linh hồn trong luyện ngục vẫn còn cơ hội, và vấn đề còn lại là phải hành động. Chính vì lẽ đó mà hôm nay tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, long trọng cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân chủ tế.

“Xin Chúa dẫn đưa các linh hồn về nơi hạnh phúc, xin Chúa xót thương cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời…”, bài ca nhập lễ do ca đoàn xướng lên cùng cộng đoàn đã thể hiện sự thiết tha cầu khẩn mà con cái Chúa van nài để mong cho các linh hồn được cứu rỗi. Một màu tím bao phủ khắp nhà thờ như đưa chúng ta hướng về các đẳng nơi mà sự chết mong chờ được tái sinh, nơi mà những linh hồn đang khao khát lời nguyện cầu từ trần đời.

Mở đầu thánh lễ Đức Cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho các linh hồn mà chúng ta vẫn thường làm trong lời kinh hằng ngày, xin lễ… trong suốt năm phụng vụ. Nhưng tháng 11 và đặc biệt là thánh lễ hôm nay chúng ta dành riêng để cầu cho tất cả, trong đó có những linh hồn mồ côi, không có họ hàng thân thuộc và cũng nhắc nhở tất cả các giáo hữu khi còn sống phải luôn nhớ đến ông bà tổ tiên và truyền dạy cho con cái kính nhớ đến các bậc sinh thành. Đó còn là nét đẹp trong truyền thống dân tộc về việc thờ kính ông bà tổ tiên.

Bài phúc âm hôm nay nói về hai kẻ trộm bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu, kẻ trộm dữ thì khích bác còn kẻ trộm lành thì biết ăn năn hối cải và cầu xin cùng Chúa để được về Trời. Chỉ đơn giản là biết ăn năn hối cải và cầu nguyện thì Chúa rộng lòng, dù có phạm tội cỡ nào cũng được tha: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23, 43)

Hy vọng các tín hữu luôn biết noi gương người trộm lành để cầu nguyện, cách riêng cho các đẳng linh hồn trong tháng 11 này, để những người đã khuất được theo anh trộm lành sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tin: Mika
Ảnh: Mai Bảo
Truyền Thông Chính Toà Đà Nẵng