1. ĐTC Phanxicô tham gia cuộc gặp gỡ “Đức tin và khoa học: hướng đến COP26”

Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo và đại diện các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ “Đức tin và khoa học: hướng đến COP26”, hôm thứ Hai 04/10, Đức Thánh Cha nói đến ba khái niệm để suy tư về sự hợp tác: (1) cái nhìn của sự lệ thuộc và chia sẻ, (2) động lực của tình yêu; (3) và lời mời gọi tôn trọng.

Cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo tôn giáo và các khoa học gia là sáng kiến của đại sứ quán Anh và Ý cạnh Toà Thánh, với mục đích đưa ra lời kêu gọi bảo vệ trái đất tới các tham dự viên của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sẽ diễn ra từ ngày 01 đến 12/11 tại Glasgow, Scotland.

VTCN

Xem chi tiết: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dtc-phanxico-tham-gia-cuoc-gap-go-duc-tin-va-khoa-hoc-huong-den-cop26-64310

2. Lễ tuyên phong hai tân chân phước Gaetana Tolomeo và Mariantonia Samà

Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh Marcello Semeraro đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Catanzaro, miền Calabria của Ý, để tuyên phong chân phước cho hai phụ nữ người Ý: Gaetana Tolomeo e Mariantonia Samà.

Điểm chung của hai tân chân phước là đón nhận đau khổ bệnh tật trong cuộc sống. Hai vị đều muốn trở nên “giống như Đức Kitô”. Đức Hồng y Semeraro nhấn mạnh rằng sự thánh thiện của các ngài là lịch sử của quyền năng Thiên Chúa trong sự yếu đuối của con người”.

Hồng Thủy

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/hai-tan-chan-phuoc-gaetana-tolomeo-va-mariantonia-sama.html

3. Chiến dịch 40 ngày cầu nguyện theo Laudato si’

Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện công bố chiến dịch 40 ngày cầu nguyện theo các mục tiêu của thông điệp Laudato si’, về chăm sóc ngôi nhà chung, bắt đầu từ lễ thánh Phanxicô Assisi 4/10.

Chương trình Hành động gồm: 1/ Đáp lại tiếng kêu của Trái đất; 2/ Đáp lại tiếng kêu của người nghèo; 3/Thúc đẩy nền kinh tế sinh thái; 4/Thực hiện lối sống đơn giản; 5/ Giáo dục sinh thái; 6/ Linh đạo sinh thái; 7/ Sự tham gia của cộng đồng. 

Ngọc Yến

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/chien-dich-40-ngay-cau-nguyen-laudato-si.html

4. Từ ngày 1/10/2021 du khách và nhân viên Vatican cần phải có “thẻ xanh Covid”

 Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã ký và ban hành một sắc luật, tuyên bố rằng từ ngày 1/10/2021, tất cả du khách và nhân viên Vatican sẽ được yêu cầu xuất trình “thẻ xanh Covid” khi vào nội thành Vatican và các cơ sở thuộc Vatican.

Đức Hồng y Parolin nói rằng các nhân viên hoặc quan chức Vatican không tuân theo quy định sẽ không được phép vào nơi làm việc của họ và bị xem là “vắng mặt không lý do”. Và những ngày vắng mặt không có lý do này sẽ không được trả lương.

Hồng Thủy

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-09/vatican-sac-lenh-the-xanh-covid-19-dai-dich.html

5. Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 6/8/2023

Uỷ ban tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon năm 2023 đã thông báo rằng cuộc gặp gỡ của tất cả người trẻ trên thế giới với Đức Thánh Cha tại Lisbon vào năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1 đên 6/8.

Thông báo của Uỷ ban tổ chức nói rằng việc công bố Đại hội Giới trẻ Thế giới là một thời điểm rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đã từ rất lâu, những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới muốn biết ngày diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon năm 2023 để chuẩn bị chi tiết cho chuyến đến Lisbon của họ.

Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng phụ của Lisbon, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng 22 tháng trước ngày khai mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ là thời gian truyền giáo cho tất cả mọi người.

Hồng Thủy 

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-10/dai-hoi-gioi-tre-the-gioi-lisbon-1-den-6-thang-8-nam-2023.html

6. Khai mạc Tháng Truyền giáo

Tháng Truyền giáo bắt đầu từ ngày 01/10, lễ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và kết thúc vào ngày 24/10/2021, Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 95. Chứng tá là trung tâm sứ điệp của Tháng Truyền giáo năm nay.

Trong một thông cáo báo chí, Đức Tổng Giám mục Giampietro Dal Toso, Chủ tịch Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) nhấn mạnh: “Mỗi năm, cử hành Tháng Truyền giáo và Ngày Thế giới Truyền giáo nhắc nhớ chúng ta rằng: đức tin của chúng ta luôn là truyền giáo. Chúng ta không thể im lặng về những gì chúng ta đã nghe, đã thấy và đã sống trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa”.

Ngọc Yến

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-10/khai-mac-thang-truyen-giao.html

7. Đức Thánh cha giúp đỡ các nạn nhân tại Nam Sudan và Hy Lạp

Hôm 04/10/2021, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cho biết Đức Thánh cha Phanxicô đã gửi 75.000 Mỹ kim để góp phần vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và nâng đỡ dân chúng tại giáo phận Malakal, bên Nam Sudan bị lũ lụt hồi tháng Tám năm nay, làm cho hơn 12.000 người phải di tản và 6.000 gia cư bị phá hủy hoặc hư hại. Ngoài ra, Đức Thánh cha cũng cho gửi 50.000 Euro để nâng đỡ dân chúng tại Hy Lạp, hồi tháng Tám năm nay bị thiệt hại nặng vì hỏa hoạn tại đảo Evia, thuộc quần đảo Attica, phá hủy hơn 100.000 hecta đất đai canh tác và mùa màng.

Bộ Phát triển nói rằng những đóng góp trên đây biểu lộ tâm tình gần gũi tinh thần và sự khuyến khích hiền phụ của Đức Thánh cha đối với dân chúng tại các lãnh thổ bị nạn, cùng với lời cầu nguyện của ngài. Những trợ giúp đó là thành phần những giúp đỡ của Giáo hội và nhiều cơ quan bác ái Công giáo khác.

Minh Đức

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/podcast/vietnamese-program/2021/10/radio-vatican-ti-ng-viet-ngay-05-10-2021.html

8.  Đức Thánh cha khuyến khích các nhà kinh tế trẻ

Trong sứ điệp video gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ quốc tế về “Nền Kinh tế Phanxicô” lần thứ hai của các nhà kinh tế và doanh nhân trẻ, nhóm họp trực tuyến lần thứ hai, chiều ngày 02/10/2021 vừa qua, tại Assisi và được nối mạng với 40 thành phố trên thế giới, Đức Thánh cha Phanxicô khuyến khích các nhà kinh tế và doanh nhân trẻ hãy tìm ra những con đường mới để hồi sinh kinh tế sau thảm họa Covid-19, để kinh tế được công bằng, lâu bền và liên đới hơn. Đức Thánh cha nói: “Tôi lập lại với các bạn về nghĩa vụ đặt tình huynh đệ ở trung tâm kinh tế, để chứng tỏ rằng, dưới sự hướng dẫn của tình yêu theo tinh thần Tin mừng, có một nền kinh tế khác, và nền kinh tế này có thể là công bằng, lâu bền và liên đới hơn”.

Đại dịch Covid-19 cho thấy sự chênh lệch trong xã hội càng sâu rộng hơn do nạn thất nghiệp, nghèo đói, nhiều người  không được chăm sóc y tế… Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều thất bại trong việc chăm sóc “căn nhà chung và gia đình chung”  đồng thời tố giác một thiểu số lợi dụng đại dịch để làm giàu, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Trái đất có trước chúng ta và được ban cho chúng ta. Chúng ta là những người quản lý các thiện ích, của cải, chứ không phải là chủ nhân ông. Tuy nhiên, nền kinh tế bệnh hoạn thì giết người, nó nảy sinh từ quan niệm chúng ta là chủ nhân của thiên nhiên, nên ta có thể khai thác bóc lột thiên nhiên để mưu lợi và làm cho ta tăng trưởng. Đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng có một liên hệ hỗ tương sâu xa, và chúng ta được kêu gọi bảo tồn các thiện ích mà thiên nhiên trao tặng cho tất cả mọi người, và chúng ta có nghĩa vụ phải làm việc và phân phối các thiện ích ấy làm sao để không ai bị loại trừ”.

Minh Đức

Xem chi tiết: https://www.vaticannews.va/vi/podcast/vietnamese-program/2021/10/radio-vatican-ti-ng-viet-ngay-05-10-2021.html